Muôn kiểu kỹ năng
Bà Hoàng Thu Hiền, Phòng GD&ĐT TP Thái Nguyên cho biết: Hơn 20 năm trong nghề sư phạm, chưa bao giờ bà thấy dạy trẻ đối mặt với nhiều tình huống khó khăn như hiện nay. Nhiều cơ sở ngoài công lập đưa các chương trình mang tên 'kỹ năng sống' vào trường để thu hút phụ huynh, trong khi điều này gây áp lực cho trẻ không cần thiết. Chưa kể, năng lực của giáo viên còn rất hạn chế.
Áp lực cho trẻ
Theo bà Hiền, nhiều trường cho rằng tăng cường hoạt động trải nghiệm cho trẻ là cần thiết. Phải dạy trẻ bằng được kỹ năng rán trứng, luộc bánh…bất chấp việc đưa cả thiết bị đun nấu không an toàn vào trường. Những tai nạn đáng tiếc xuất phát từ giáo viên chưa có kiến thức về nuôi dạy trẻ. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thừa nhận, thực trạng các trung tâm đang nở rộ với nguy cơ bung ra ngày càng nhiều khiến ngành giáo dục khó kiểm soát. Cụ thể, Thanh tra sở GD&ĐT có quyết định xử lý, xử phạt một trung tâm “treo” biển dạy kỹ năng sống nhưng lại âm thầm tổ chức thu nhận nuôi giữ trẻ nội trú.
Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) thiết kế chương trình kỹ năng cho trẻ với 35 bài học/năm. Trẻ được dạy nội dung đi thang máy, cầu thang; cách xử lý khi bị lạc; kỹ năng phòng tránh nguy hiểm; kỹ năng xử lý khi bị trêu chọc; An toàn khi đi ra đường; Bé làm gì khi gặp cháy nổ; Cách sử dụng đồ điện trong gia đình…
Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen ví dụ, dạy kỹ năng xử lý khi gặp cháy nổ, giáo viên dạy trẻ biết nhận biển báo, lấy khăn bịt mũi đi theo biển hướng dẫn và dùng nến để minh họa cho lửa. Giải thích cho trẻ, nếu lửa có chất xúc tác sẽ trở thành đám cháy to và đám cháy sẽ được chiếu video để trẻ biết. Sau đó, trường mời lực lượng phòng cháy chữa cháy về trường hướng dẫn trẻ ở dưới sân.
Với nội dung “an toàn khi đi thang máy, thang cuốn”, ở trên lớp giáo viên hướng dẫn học sinh bằng hình ảnh thế nào là thang máy, thang cuốn. Khi đưa trẻ đi xem phim, xem xiếc...trẻ được kết hợp dạy sử dụng loại thang này. Khi đó, giáo viên sẽ yêu cầu trẻ thực hiện quy tắc cầm tay nhau, xếp hàng dài để đi theo hướng dẫn.
Trong khi đó, tại TPHCM, năm 2019 đã cấp phép thành lập cho 41 trung tâm kỹ năng sống. Tính trung bình cứ hơn 8 ngày, lại thêm 1 trung tâm “dạy” kỹ năng sống ra đời. Sở GD&ĐT đã yêu cầu tất cả đơn vị trường học phải đưa giáo dục kỹ năng sống vào một trong những hoạt động bắt buộc của buổi học thứ hai (đối với các trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày), đồng thời đưa vào kế hoạch hoạt động của đơn vị để sở phê duyệt vào mỗi đầu năm học.
Chương trình được chia thành nhiều học phần và đa dạng để phụ huynh lựa chọn cho con học từng chủ đề, theo giờ, nguyên ngày, nguyên tuần… Học phí cũng rất đa dạng với tiền triệu trở lên. Chẳng hạn một trung tâm các nội dung tương tự nhưng có trung tâm thu học phí là 9 triệu/8 tuần, có nơi lại thu 21 triệu/6 tuần, có nơi thu 19,5 triệu đồng/khóa…
Năng lực giáo viên hạn chế
Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, nắm bắt tâm lý và nhu cầu gửi con của nhiều phụ huynh trong dịp hè, Sở GD&ĐT TPHCM đã có công văn hướng dẫn rất kỹ về việc triển khai hoạt động kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở giáo dục. Sở yêu cầu các đơn vị phải tổ chức hoạt động an toàn, nghiêm túc và thiết thực, hiệu quả; các trung tâm không tự ý đưa các chương trình “lạ”, không được thẩm định, phê duyệt của Sở GD&ĐT hoặc của Bộ GD&ĐT trong nội dung giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Dạy kỹ năng cho trẻ phải phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Không vì chạy đua, thu hút cha mẹ học sinh mà nhồi nhét, sáng tạo nhiều nội dung để hi vọng trẻ “biết tuốt”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trẻ ra đường vẫn vứt rác bừa bãi, về nhà không biết tự phục vụ bản thân…đừng nói đến kỹ năng sinh tồn”.
Bà Thu cho biết thêm, các trường dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT tự xây dựng chương trình dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là năng lực đội ngũ giáo viên chưa cao. Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, đầu vào giáo viên thấp, đầu ra cũng thấp chưa kể, nhiều giáo viên không đi học tập trung mà chỉ tranh thủ học cuối tuần. Đặc biệt, những cơ sở, nhóm trường tư thục, việc tuyển giáo viên không khắt khe dẫn đến thực hiện sai lệch nội dung giáo dục, đẩy trẻ vào tình huống nguy hiểm.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: “Dạy kỹ năng cho trẻ là cần thiết nhưng quan trọng là ban giám hiệu phải lựa chọn chương trình phù hợp. Ví như, việc dạy trẻ gói bánh chưng giúp trẻ hiểu biết về văn hóa truyền thống nhưng tổ chức thế nào cho an toàn thì nhà trường phải tính toán. Còn các trường ngoài công lập đưa các chương trình liên kết vào để thu hút cha mẹ học sinh, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trước khi ghi danh đăng ký cho con vì có một thực tế, không ít cơ sở giáo dục dựa trên nhu cầu của phụ huynh để đáp ứng”.
Cũng theo bà Hương, Hà Nội hiện nay có số lượng nhóm, lớp đông, giáo viên cũng có nhận thức, trình độ khác nhau trong khi Phòng GD&ĐT có ít cán bộ, UBND phường, xã phân cấp quản lý không có chuyên môn nên sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ lọt những bài giảng kỹ năng sai sót.
“Hiện nay, tại các địa phương đều có nhiều hoạt động hè bổ ích cho trẻ, phụ huynh không nhất thiết phải đưa con tới những trung tâm kỹ năng sống, kể cả những trung tâm có yếu tố giảng dạy của nước ngoài. Học phí cao, đắt đỏ, không phải cứ cho trẻ xuất ngoại là trẻ sẽ trở nên xuất chúng. Bởi, sau khi tham gia, trẻ có chủ động làm theo,khám phá, phát triển khả năng tự học, phát triển năng lực bản thân hay không là điều cần quan tâm”. Bà Bùi Thị Diễm Thu
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/muon-kieu-ky-nang-1454497.tpo