Trung tâm GD nghề nghiệp - GDTX: 'Lắm cha con khó lấy chồng'
Những vướng mắc và bất cập liên quan đến vị trí pháp lý, cơ chế quản lý… với các trung tâm GDNN, GDTX, đòi hỏi giải pháp tháo gỡ.
Chưa đồng nhất
Dù trực thuộc UBND huyện nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vẫn chịu sự quản lý về chuyên môn của sở GD&ĐT và sở LĐ,TB&XH. Ông Doãn Đức Tín - Giám đốc Trung tâm giãi bày, UBND huyện quản lý về con người, nhiệm vụ, tổ chức… còn chuyên môn thuộc lĩnh vực giáo dục thường xuyên do sở GD&ĐT quản lý, lĩnh vực nghề nghiệp do Sở LĐ,TB&XH quản lý.
“Vì vậy, mỗi khi làm báo cáo, trung tâm phải làm 3 bản để gửi 3 cơ quan quản lý nêu trên”, ông Doãn Đức Tín cho hay và nhận thấy, việc phân cấp quản lý các trung tâm này có sự khác nhau. Có nơi trực thuộc UBND huyện, nơi thuộc sở GD&ĐT hoặc sở LĐ,TB&XH. Thực trạng này dẫn đến các chế độ, chính sách phụ cấp đối với giám đốc, phó giám đốc trung tâm cũng khác nhau. Ông Tín mong muốn, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và nên thống nhất đầu mối quản lý các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai), các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tại các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đến 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các trung tâm này thuộc cấp huyện, được sáp nhập và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ (Thông tư 39).
Tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu cụ thể mục tiêu đến năm 2025 là: Hoàn thành sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục hướng nghiệp, Trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, có trường hợp chỉ vì tên gọi chưa đúng nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của dự án được quy định tại Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 có: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Do vậy, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị, Chính phủ điều chỉnh đối tượng thực hiện chương trình theo chức năng, không bắt buộc theo đúng tên gọi.
Gỡ khó cho các trung tâm
Cần tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên là đề xuất của bà Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre). Các địa phương tiến hành sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện. Sau sáp nhập, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện, thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
“Sáp nhập các trung tâm này được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hiệu quả chưa được như kỳ vọng”, bà Nguyễn Thị Yến Nhi trăn trở và cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cho thấy, hoạt động của các trung tâm này đang tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến vị trí pháp lý, cơ chế quản lý...
Cụ thể, việc xác định vị trí pháp lý và quản lý Nhà nước đối với các trung tâm này chưa rõ ràng do sự tồn tại song song của hai thông tư cùng quy định về tổ chức và hoạt động. Đó là Thông tư liên tịch 39 và Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (Thông tư 01).
Bà Nguyễn Thị Yến Nhi băn khoăn, theo quy định của Thông tư 39, các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên chỉ bó hẹp trong khuôn khổ biên chế đơn vị sự nghiệp tỉnh giao cho UBND cấp huyện. Do không thuộc hệ thống giáo dục nên không được thụ hưởng các chính sách đầu tư của ngành Giáo dục… Còn Thông tư 01 xác định vị trí pháp lý của các trung tâm này thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định này cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vị trí pháp lý và tổ chức hoạt động của các trung tâm.
“Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa triển khai được Thông tư 01. Việc Thông tư 39 chưa được bãi bỏ hoặc chưa công bố hết hiệu lực dẫn đến các khó khăn chưa được tháo gỡ”, bà Nguyễn Thị Yến Nhi nêu thực trạng.
Nhấn mạnh thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ phối hợp rà soát, bãi bỏ và công bố hết hiệu lực Thông tư liên tịch số 39, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định cụ thể về vị trí pháp lý đối với các trung tâm này theo hướng xác định trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc sở GD&ĐT. Qua đó, nhằm tháo gỡ khó khăn về biên chế, chế độ chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục.
Tại phiên thảo luận chiều 4/11 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, cả nước hiện có 92 trung tâm thuộc quản lý của sở GD&ĐT, 526 trung tâm do sở LĐ,TB&XH hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý. “Tức là, vấn đề chủ thể quản lý, điều hành đang rất đa dạng”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH rà soát, xem xét lại Thông tư 39. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số127/2018/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục”; trong đó xem xét Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nên trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý nhất.
Bộ GD&ĐT đang cân nhắc phương án: Giao về sở GD&ĐT quản lý các trung tâm trên. Dự kiến cuối tháng 11, Bộ tổ chức hội nghị toàn quốc với tất cả giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để trao đổi các nội dung cần tháo gỡ.