Muôn kiểu lừa đảo người già

Thời gian qua, trên cả nước “nở rộ” các hình thức lừa lảo mới nhắm vào người cao tuổi, như: giả làm cán bộ cơ quan điều tra điện thoại thông báo số tiền trong tài khoản của nạn nhân bị nghi ngờ là tiền “đen”, liên quan đến các các vụ phạm pháp hình sự nên kiểm tra... Yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền cho bọn chúng. Một thủ đoạn khác là “dụ” khách mua gói trị liệu, chăm sóc sức khỏe hàng chục triệu đồng... và gần đây nhất tại Quảng Nam xảy ra là việc lợi dụng việc cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ để lấy cắp tiền, vàng. Thực tế, những “chiêu lừa” trên là không mới song do người già thường chậm chạp, không phân biệt được đâu là người ngay, kẻ gian... nên vô tình trở thành miếng “mồi ngon” cho những kẻ bất lương.

Ô-tô BKS 30A-18435 do các đối tượng lừa đảo sử dụng. Hình ảnh do camera giám sát giao thông ghi lại được.

Ô-tô BKS 30A-18435 do các đối tượng lừa đảo sử dụng. Hình ảnh do camera giám sát giao thông ghi lại được.

Vợ chồng ông N. (trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), cho hay: Do tuổi già, thường xuyên đau ốm nên mấy năm gần đây phải liên tục vào viện điều trị. Gần đây, nghe người “mách” các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc có chức năng chữa bách bệnh nên cụ đầu tư mua về dùng. Cụ thể, mền trị bệnh 16 triệu đồng/cái, gối hơn 4 triệu đồng/cái, đai lưng hơn 2 triệu đồng/cái, xà bông 200.000 đồng/cục, và sâm... Thế nhưng, bệnh cũ chẳng thấy bớt mà tiền thì đã mất...

Tương tự, là việc tiếp thị kiêm bán các mặt hàng thực phẩm chức năng của một số công ty bán hàng đa cấp. Dù không được cơ quan chức năng cho phép nhưng các công ty này vẫn lén lút tổ chức hội thảo, quảng cáo về cách làm giàu nhanh chóng và khả năng chữa bách bệnh của các loại thực phẩm chức năng. “Có bệnh phải vái tứ phương” nên nghe những lời quảng cáo mùi mẫn này, nhiều ông cụ, bà cụ chẳng ngại ngần để tậu cho mình một vài bộ sản phẩm của các công ty V., A... Trắng trợn hơn là một số công ty đã tìm đến các khu dân cư tổ chức ngày hội khách hàng, mời người dân đến dự chương trình tặng quà, giới thiệu sản phẩm. Mỗi người đến dự chương trình đều được tặng một chai dầu ăn, gói bột ngọt... Sau đó, các đối tượng trực tiếp giới thiệu các sản phẩm như kẹo sâm, cao dán hồng sâm, kem đánh răng sâm, sâm nước, củ sâm... với giá cao gấp nhiều lần so với giá bán của đại lý phân phối.

Ngoài ra, tại một số địa bàn các huyện miền núi, trung du khu vực miền Trung xảy ra tình trạng các đối tượng lừa đảo bằng hình thức đến tận gia đình một số người già yêu cầu nạn nhân thay quần áo đẹp để chụp ảnh, làm hồ sơ nhận tiền xây nhà tình nghĩa hoặc các chế độ khác. Khi người già lúi húi với công việc thay trang phục, đối tượng đã nhanh tay móc túi, trộm cắp các tài sản, như: tiền, vàng và những tài sản có giá trị khác. Cụ thể, gần 10 giờ trưa vào một ngày giữa tháng 5-2020 khi các con lên núi lo việc chăm sóc rừng, vợ chồng cụ S. (trú H. Quế Sơn, Quảng Nam) tiếp đón 2 vị khách lạ. Vừa hớp ngụm nước do gia chủ mời, hai người khách vội rút tập hồ sơ trong túi ra, giới thiệu là cán bộ ở tỉnh xuống thẩm tra tình hình thực tế để có hướng đề xuất hỗ trợ cho gia đình số tiền 40 triệu đồng sửa chữa lại căn nhà bị xuống cấp. Để lập hồ sơ, vợ chồng cụ phải thay trang phục, ra trước hiên chụp ảnh... Buổi chiều, khi các con trở về hai cụ đem câu chuyện ra kể mà trong lòng vẫn còn khấp khởi mừng. Chưa vội tin vào lời cha mẹ, anh H. cảnh giác vào buồng ngủ kiểm tra, không ngờ 18 triệu đồng vừa bán bò được giấu cẩn thận ở đáy tủ nay chẳng thấy đâu.

Còn rất nhiều hình thức lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của những người già neo đơn ở các vùng quê, như: làm hồ sơ nhận trợ cấp đột xuất, giải quyết các chế độ người có công... Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều người cao tuổi ở các thành phố đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa qua điện thoại. Kẻ lừa đảo dùng “chiêu” gọi điện cho nạn nhân thông báo nợ cước điện thoại, sau đó đóng giả công an và viện KSND để hù dọa nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, đánh bạc vừa bị cơ quan CA phát hiện và số tiền trong tài khoản của nạn nhân bị nghi ngờ là tiền “đen” của bọn tội phạm, cần kiểm tra... Sau khi bị hù dính líu đến đường dây phạm tội rửa tiền, nạn nhân đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm có trong tài khoản để bọn lừa đảo “kiểm tra có phải là tiền sạch” hay không. Thế là, nạn nhân mất trắng số tiền trên.

Hiện nay một thủ đoạn khác đang được các đối tượng sử dụng là “ăn theo” các đoàn cứu trợ bão lũ đồng bào miền Trung để lấy cắp tài sản của các cụ già. Điển hình, vào ngày 4-11-2020, trên đường đi ăn buổi sáng bà Cao Thị An (1937), trú Đại Nghĩa, Đại Lộc (Quảng Nam) bất ngờ được 2 người phụ nữ khoảng 50 tuổi đi trên xe ô-tô hiệu Innova BKS 30A-18435 di chuyển theo hướng TT Ái Nghĩa- Đại Lãnh “mời” lên xe để chở về nhà nhận quà cứu trợ bão lụt. Tin lời, bà An vui vẻ nhận lời. Khi đến khu vực TT Y tế H. Đại Lộc, tài xế liền dừng xe để 2 người phụ nữ vội “trao” 1 thùng mì tôm rồi đẩy bà An xuống xe. Bất ngờ trước “lòng tốt” của 2 người phụ nữ nhưng khi kiểm tra lại túi tiền, bà An phát hiện 6,5 triệu đồng, 1 chỉ vàng 24k được cất trong người đã “không cánh mà bay”.

Việc sử dụng các thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người cao tuổi là hành vi trái với đạo đức xã hội, cần được lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

V.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_234321_muon-kieu-lua-dao-nguoi-gia.aspx