Muốn 'nâng tầm', doanh nghiệp cần ESG

Vai trò của ESG là then chốt trong tương lai của các doanh nghiệp. Tuy nhiên để đạt được đầy đủ các tiêu chí về ESG để kêu gọi đầu tư không phải là điều dễ dàng.

Trong một bài viết mới đây, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản trị doanh nghiệp nhận định, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) gần đây đã trở thành một chủ đề hàng đầu mà các nhà quản trị thế giới đang đề cập đến để xây dựng thành các tiêu chí phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 ESG là then chốt trong tương lai của các doanh nghiệp

ESG là then chốt trong tương lai của các doanh nghiệp

Cũng theo TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, các báo cáo tiết lộ rằng 87% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi sự gia tăng đầu tư vào tính bền vững cho các tổ chức của họ trong những năm tới.

ESG là yêu cầu tất yếu

Theo báo cáo mới nhất, có hơn 500 tỷ USD đã được chuyển vào các quỹ tích hợp ESG vào năm 2021, góp phần làm tăng 55% tài sản được quản lý trong các sản phẩm tích hợp ESG. Tăng trưởng đầu tư ESG dự kiến tiếp tục kéo dài đến năm 2022 và hơn thế nữa.

Do đó, vai trò của ESG là then chốt trong tương lai của các doanh nghiệp của chúng ta. Đó chính xác là những gì nền kinh tế của chúng ta cần để giúp giảm thiểu các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

Tại Hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cũng cho rằng, áp dụng ESG vào sản xuất kinh doanh đang là đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn “nâng tầm” vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Nam, thông tin tại một hội nghị trực tuyến thế giới về vốn xanh cho doanh nghiệp nhỏ diễn ra mới đây cho thấy, tất cả các doanh nghiệp châu Âu hay tổ chức tài chính châu Âu hiện nay nếu muốn đầu tư vào doanh nghiệp nào, thì doanh nghiệp đó phải có công bố báo cáo về ESG. Điều đó có nghĩa, ESG là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp, nếu muốn thu hút đầu tư hay các nguồn tài chính xanh từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư châu Âu.

Cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp

Nhận thức được điều đó, mới đây những doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ tại TP. HCM. Cuộc gặp do Vietcetera phối hợp với Raise Partners tổ chức đã quy tụ gần 400 khách cùng 50 diễn giả, chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực. Các khách mời đã cùng thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua lăng kính ESG.

 Y tế là một trong hai lĩnh vực được đánh giá tiềm năng nhất để thu hút đầu tư ESG

Y tế là một trong hai lĩnh vực được đánh giá tiềm năng nhất để thu hút đầu tư ESG

Trong 2 ngày diễn ra cuộc gặp, các đại biểu thảo luận sôi nổi về 5 chủ đề “nóng” như: Đảm bảo nguồn đầu tư thông qua lăng kính ESG; Đầu tư vào khử cacbon và chuyển đổi năng lượng; Đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo; Tận dụng các nguồn lực quốc tế để phát triển thị trường carbon; Tài chính và doanh nghiệp tác động xã hội/môi trường.

Đề cập đến lộ trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam, ông Serge LeVert-Chiasson, Tổng Giám đốc của Sarona Asset Management nhận định, đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo doanh nghiệp là điều không thể thiếu. Bởi theo ông, ở hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả Canada và Việt Nam, phụ nữ thường bị thiệt thòi so với nam giới trong việc tìm kiếm khả năng tiếp cận vốn, nguồn lực và cố vấn.

Trong khi đó, hai lĩnh vực được các đại biểu đánh giá tiềm năng nhất để thu hút đầu tư ESG là y tế và năng lượng sạch, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng mùa hè.

Tuy nhiên từ góc độ của quỹ đầu tư, ông Kelvin Vương, Giám đốc công ty quản lý Quỹ CFM B.V nhận định: “Đạt được đầy đủ các tiêu chí về ESG để kêu gọi đầu tư không phải là điều dễ dàng. Điều quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ vừa am hiểu các quan điểm quốc tế, vừa hiểu biết về văn hóa địa phương, từ đó tạo cầu nối và có cách tiếp cận thực tế cho sự bền vững lâu dài”.

Còn Ngài Karl Van den Bossche - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam lại đề cập đến tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đối với việc thu hút đầu tư ESG tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng để tạo điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy đầu tư ESG.

Nam Phong

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/muon-nang-tam-doanh-nghiep-can-esg-post58128.html