Muốn pháp luật có giá trị lâu dài, phải đánh giá tác động toàn diện

'Một trong những yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra cho Quốc hội là bảo đảm 'các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài'. Muốn vậy, cần có đánh giá tác động toàn diện, với các số liệu cụ thể, thuyết phục', TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chia sẻ.

Đừng ngại vấn đề mới

- Trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV sáng 21.10, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Quốc hội cần “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp”, trong đó “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển". Ông nghĩ sao về định hướng chỉ đạo này?

- Là người làm công tác nghiên cứu về chính sách, tôi rất tán đồng với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Hệ thống pháp luật cũng như hoạt động quản lý nhà nước trước hết nhằm mục tiêu quản lý xã hội, bảo đảm duy trì sự ổn định và trật tự xã hội nhất định. Song, cuộc sống luôn vận động, phát triển không ngừng, đi kèm với đó là những thay đổi, biến chuyển, xuất hiện những yếu tố mới, động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, các công nghệ mới… Nếu quản lý mà chỉ nặng về bảo đảm hành lang tuân thủ và trật tự có sẵn thì sẽ trở nên lạc hậu và mâu thuẫn với quá trình phát triển. Do đó, cùng với việc bảo đảm sự ổn định, trật tự xã hội, điều quan trọng của hệ thống pháp luật là cần phải khuyến khích được sự vận động, sáng tạo và sự phát triển của xã hội.

Để bảo đảm vừa quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực, cần tránh xây dựng hệ thống pháp luật mang tính chung chung như luật khung, luật ống, mà phải bám sát cuộc sống, điều chỉnh được các quan hệ xã hội cũng như những xu thế vận động, phát triển của xã hội. Việc điều chỉnh này cần phải dựa trên các nguyên lý, nguyên tắc chung và mang tính phổ quát, không “luật hóa các quy định của nghị định và thông tư” như yêu cầu của Tổng Bí thư.

Song, tôi cho rằng, không chỉ văn bản luật mà cả văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cũng chỉ nên dừng ở một phạm vi nào đó, không nên quá chi tiết. Nếu cứ ôm đồm, muốn quản trị hết thì sẽ tự bó mình vào khung khổ chật hẹp, vô hình trung sẽ làm giới hạn dư địa của quản lý nhà nước trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển. Thay vào đó, hãy nhường chỗ cho các quy tắc cộng đồng (hiệp hội, nhóm xã hội...), tự họ sẽ đưa ra quy tắc ràng buộc và những giá trị theo nhu cầu, động cơ của những chủ thể trong đó.

Mặt khác, xã hội phát triển sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới mà Quốc hội hay bất cứ cơ quan quản lý nào cũng không thể dự liệu được hết. Chẳng hạn như kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo... - những động lực mới cho sự phát triển đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu và đòi hỏi phải có hành lang pháp lý mới. Ban đầu, có thể chúng ta còn lúng túng, song không vì thế mà không có hệ thống pháp luật điều chỉnh. Hãy đừng sợ, đừng ngại vấn đề mới, mà hãy mạnh dạn đề xuất, xây dựng chính sách để điều chỉnh các yếu tố mới nổi, và chấp nhận phải điều chỉnh dần. Chính sự nhanh chóng ban hành các quy định cho các vấn đề mới nổi cũng là để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Tăng cường hơn nữa các phiên giải trình

- Một trong những hạn chế trong hoạt động lập pháp được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo… Trong bối cảnh đó, để bảo đảm “các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài”, theo ông, Quốc hội cần lưu ý điều gì?

- Theo tôi, yếu tố đầu tiên là phải bảo đảm tính chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp luật. Cần phân định rõ giữa luật mang tính chất nguyên tắc, chủ đạo, phổ quát với các văn bản thi hành luật, đồng nghĩa có thể xem xét giao quyền chủ động hơn, trao thẩm quyền cao hơn cho các ủy ban của Quốc hội trong việc đề nghị, trình các dự án luật, được can thiệp sâu hơn vào các dự án luật, thay vì phụ thuộc vào các cơ quan hành pháp như hiện nay. Hiện, các ủy ban của Quốc hội đều có đội ngũ đại biểu chuyên trách, có đủ chuyên môn để làm công việc này.

Cùng với đó, cần huy động được đội ngũ chuyên gia giỏi tại các cơ quan nghiên cứu chính sách pháp luật, luật sư tại các văn phòng luật sư nổi tiếng để cùng xây dựng văn bản luật để bảo đảm tính chính xác, phổ quát, bao trùm, ngắn gọn, đồng thời bóc tách được chu trình làm luật với chu trình làm văn bản dưới luật của các cơ quan hành pháp.

Mục đích của hệ thống luật pháp và cơ quan quản lý nhà nước là vì lợi ích của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, vì thế cần bảo đảm lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng; và phải đánh giá toàn diện. Thời gian qua, Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ khi xây dựng dự thảo luật, nghị định, thông tư đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành. Việc tiếp thu, giải trình cũng đã tương đối công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc giải trình vẫn chung chung, hoặc đánh giá tác động còn sơ sài. Vì thế, thời gian tới cần khắc phục điều này, đó là giải trình đầy đủ, rõ ràng hơn và phải có đánh giá tác động toàn diện, có số liệu đầy đủ, thuyết phục, để khi quy định được ban hành sẽ vừa bám sát cuộc sống vừa bảo đảm tính khả thi.

- Cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Quốc hội cần “thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao”. Ông có đề xuất gì về việc thực hiện chức năng này trong thời gian tới?

- Thời gian qua, Quốc hội đã làm tốt công tác giám sát, đặc biệt là giám sát tối cao đã được tăng cường, với nhiều cuộc giám sát chuyên đề, cử các đoàn giám sát đi thực tế để nắm tình hình.Các nội dung giám sát chuyên đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề rất sát sườn, được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, như vấn đề bất động sản và nhà ở xã hội. Công tác giám sát này cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Về bản chất, giám sát là công việc thường xuyên, liên tục để bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; kịp thời khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai cũng như sửa đổi quy định có liên quan nếu cần. Cuối kỳ giám sát, Đoàn giám sát sẽ có báo cáo, trong đó đề ra các giải pháp, đề xuất cụ thể và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp. Song, ngay trong kỳ giám sát, nếu phát hiện có những vướng mắc, bất cập cần trao đổi, làm rõ. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cần xem xét tăng cường hơn nữa các phiên giải trình, từ đó có đề xuất giải pháp thực hiện ngay.

Hoặc trong các đơn thư kiến nghị của cử tri gửi đến Ban Dân nguyện, nếu vấn đề nào nóng, được người dân, doanh nghiệp tại nhiều địa phương cùng quan tâm; hay những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… thì Hội đồng Dân tộc hoặc các ủy ban của Quốc hội cần vào cuộc mở những phiên giải trình để nhanh chóng làm rõ, xử lý các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Châu thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/muon-phap-luat-co-gia-tri-lau-dai-phai-danh-gia-tac-dong-toan-dien-post394036.html