Muốn sản xuất vàng miếng, phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng
Muốn sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng.
Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo đưa ra hàng loạt quy định mới nhằm siết chặt điều kiện kinh doanh vàng miếng và kiểm soát chặt hơn các giao dịch liên quan đến vàng.
Theo dự thảo, hoạt động sản xuất vàng miếng và kinh doanh mua, bán vàng miếng tiếp tục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ những doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chặt chẽ mới được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng.

Người dân xếp hàng chờ giao dịch vàng tại một cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội.
Theo đó, doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng phải có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên; không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm (nếu có); có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.
Với ngân hàng thương mại, điều kiện tương tự nhưng yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu lên tới 50.000 tỉ đồng. Quy định này nhằm đảm bảo chỉ những tổ chức có năng lực tài chính và quản trị mới được phép tham gia sản xuất vàng miếng.
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên. Các giao dịch này phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp khi bán vàng nguyên liệu mua từ các tổ chức được cấp phép phải sử dụng hóa đơn điện tử; lưu trữ đầy đủ dữ liệu giao dịch; và kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức sản xuất vàng miếng phải công bố tiêu chuẩn khối lượng, hàm lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin này. Các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cũng phải xây dựng hệ thống thông tin để xử lý, lưu trữ dữ liệu sản xuất, mua bán vàng miếng; đồng thời kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho các đơn vị được phép sản xuất vàng miếng. Vàng nhập khẩu phải có hàm lượng từ 99,5% trở lên và chỉ được sử dụng cho các mục đích cụ thể như sản xuất vàng miếng, vàng trang sức, hoặc bán lại cho các đơn vị đủ điều kiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao quyền quy định thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng, và tổ chức thanh tra hoạt động kinh doanh vàng theo phạm vi quy định tại nghị định.
Các tổ chức kinh doanh vàng phải thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vàng cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Mọi hành vi sản xuất, kinh doanh vàng miếng không có giấy phép, xuất nhập khẩu không đúng quy định đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành như Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công an và UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.