Muôn tấm lòng góp sức chống dịch

Với những việc làm nhỏ bé, đơn giản nhưng rất ý nghĩa, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã lặng thầm góp sức phòng chống COVID-19. Nỗ lực của họ đã góp phần làm vững chắc hơn 'thành trì' chống dịch.

 Anh Lê Quang Hoàng (đứng ngoài cùng, từ trái sang) trao tặng quà cho lực lượng phòng chống COVID-19 - Ảnh: NVCC

Anh Lê Quang Hoàng (đứng ngoài cùng, từ trái sang) trao tặng quà cho lực lượng phòng chống COVID-19 - Ảnh: NVCC

Tuy đã qua thời gian giãn cách xã hội nhưng những bản tin COVID-19 bằng tiếng Brũ - Vân Kiều vẫn không ngừng nhắc nhở bà con ở thôn Ván Ri cũng như người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa không được lơ là, chủ quan. Dù không nói ra nhưng người Vân Kiều ở xã Húc luôn thầm cảm ơn những thanh niên hết lòng vì dân bản. Đầu tháng 5/2021, thôn Ván Ri ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Thời điểm đó, một số người dân ở đây vẫn chủ quan, lơ là. Nguyên nhân là do bà con vẫn chưa hiểu hết về COVID-19. Trong khi đó, những bản tin tuyên truyền bằng tiếng Kinh khó đến với họ trọn vẹn. Trước thực tế ấy, anh Hồ Văn Xinh, trú tại thôn Ván Ri đã nghĩ ra cách xây dựng những bản tin phòng, chống COVID-19 bằng tiếng Brũ - Vân Kiều và nhờ đoàn viên, thanh niên trong xã phát hằng ngày trên hệ thống loa, đài cho người dân thôn Ván Ri cũng như các thôn khác trên địa bàn được biết. “Ở nhà vì giãn cách xã hội, tôi nghĩ cần làm gì đó để nâng cao nhận thức của người dân. Vì vậy, tôi đã cùng đồng nghiệp ở Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện xây dựng bản tin phòng chống COVID-19 bằng tiếng Brũ - Vân Kiều. Sau khi đọc bản tin mình biên tập và nhờ đồng nghiệp dựng, tôi chuyển bản tin này cho đoàn thanh niên xã. Thật không ngờ bản tin lại được rất nhiều người quan tâm, chú ý”, anh Xinh chia sẻ.

Cũng như anh Hồ Văn Xinh, anh Lê Quang Hoàng, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng đang lặng thầm góp sức chống dịch bằng nhiều cách riêng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn và nỗ lực huy động các nguồn lực để “tiếp sức” cho tuyến đầu, hơn 1 tháng nay, anh Hoàng đều xây dựng những bảng số liệu thống kê về tình hình dịch bệnh trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành nói riêng để đăng tải lên Facebook cá nhân. Nói về lý do, anh Lê Quang Hoàng cho biết, hằng ngày, mình nhận được rất nhiều câu hỏi về tình hình dịch bệnh. Biết mọi người cần nên anh dành chút thời gian ngoài giờ làm việc để cập nhật bản tin của Bộ Y tế và cụ thể hóa nó một cách đơn giản, dễ hiểu. Trung bình mỗi ngày, anh Hoàng cập nhật lên Facebook cá nhân 3 bảng số liệu. Để tránh mọi người nhầm lẫn, những bảng số liệu cũ được anh xóa đi. Hoàng chia sẻ: “Giai đoạn này những người công tác trong ngành y ít ai rảnh rỗi. Thế nhưng, mình vẫn cố thu xếp thời gian để làm công việc này. Có hôm vì việc đột xuất, mình cập nhật số liệu chậm, nhiều người đã điện thoại, nhắn tin hỏi khiến mình rất vui”.

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh luôn nhắc đến vai trò của người dân trong đẩy lùi dịch bệnh. Dù các cấp, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc mạnh mẽ đến đâu mà người dân không chung sức thì khó giành thắng lợi trong cuộc chiến với đại dịch có quy mô toàn cầu. Vì thế, cũng như những người đang dồn sức phòng chống COVID-19 khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam rất vui mừng khi thấy nhiều người dân trên địa bàn đã chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng hành động cụ thể.

Thực tế, từ lúc COVID-19 xảy ra đến nay, người dân Quảng Trị đã tích cực chung tay phòng chống dịch với những việc làm thiết thực. Bà con không ngại góp tiền của, hàng hóa, tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, người đang cách ly tập trung, những hoàn cảnh khó khăn… Nhiều người dân tự nguyện tham gia vào các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng, hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nhắc nhở thực hiện quy định của Bộ Y tế. Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương chống dịch bằng cách tố giác các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. Ngoài những hoạt động tuyên truyền có hiệu quả như ý tưởng của anh Hồ Văn Xinh, Lê Quang Hoàng, người dân trên địa bàn, trong đó có các em nhỏ đã góp sức chống dịch bằng những cách làm sáng tạo như: Sáng tác ca khúc, biểu diễn những điệu nhảy chuyển tải thông điệp phòng chống dịch; xây dựng video clip ngắn về COVID-19; tổ chức các buổi trò chuyện trực tuyến giúp nâng cao nhận thức về dịch bệnh… Nhiều người nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trở thành tuyên truyền viên, hướng dẫn viên trong phòng chống COVID-19. Những mô hình hay, cách làm tốt, hành động ý nghĩa ra đời ngày càng nhiều, được tỏa lan, nhân rộng. Sự vào cuộc đầy trách nhiệm ấy đã góp phần giúp tình hình COVID-19 trên địa bàn đã và đang được kiểm soát tốt.

So với đợt dịch trước, lần này, COVID-19 bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm. Vi rút lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông không khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng. Trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, chưa một nhà nghiên cứu nào dám khẳng định đây là đợt dịch cuối cùng hay đã là nguy hiểm nhất. Vì vậy, cuộc chiến với COVID-19 có thể vẫn còn kéo dài, cần rất nhiều nhân lực và vật lực. Trong bối cảnh ấy, việc mỗi người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, vào cuộc trách nhiệm hơn nữa, quyết tâm hơn nữa thông qua những việc làm cụ thể, ý nghĩa là hết sức cần thiết. Theo ông Hoàng Nam, chỉ khi mỗi người dân là một chiến sĩ thì mỗi địa phương trên địa bàn mới có thể là một “pháo đài”, tỉnh nhà mới trở thành “thành lũy” vững chắc để chống lại và chiến thắng COVID-19.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158089&title=muon-tam-long-gop-suc-chong-dich