Muốn thúc đẩy PPP, Nhà nước phải chia sẻ rủi ro

'Thời điểm hiện nay, muốn thúc đẩy PPP, Nhà nước cần chia sẻ những rủi ro có thể xuất hiện', PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 'Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội' do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng Phát triển châu Á vừa tổ chức .

Số dự án mới khá khiêm tốn

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). "Như vậy vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh.

Từ khi Luật PPP có hiệu lực đến nay, chỉ có 3 dự án BOT giao thông chuyển tiếp đã ký hợp đồng và 8 dự án mới đang chuẩn bị đầu tư, chưa ký hợp đồng. Nguồn: ITN

Từ khi Luật PPP có hiệu lực đến nay, chỉ có 3 dự án BOT giao thông chuyển tiếp đã ký hợp đồng và 8 dự án mới đang chuẩn bị đầu tư, chưa ký hợp đồng. Nguồn: ITN

Cũng theo ông An, những năm qua, hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án PPP còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.

"Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác", ông An cho biết.

Cụ thể, theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, từ khi Luật PPP có hiệu lực (năm 2021) đến nay, có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới nhưng đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP, gồm 7 dự án giao thông, 1 dự án BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) trong lĩnh vực nước sạch.

Các ý kiến tại hội thảo chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngày càng kém mặn mà với PPP. Ví dụ, “trần” phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa 50% tổng mức vốn đầu tư (Điều 69, Luật PPP) không phù hợp, cần tăng tỷ lệ này. Về nguồn vốn xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm, Bộ Tài chính cho rằng quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật PPP là chưa phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với mục đích sử dùng nguồn ngân sách dự phòng…

Tuy nhiên, nguyên nhân mấu chốt nhất, theo các chuyên gia, đó là Nhà nước chưa bảo đảm cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Hãy coi chia sẻ rủi ro là phần đầu tư của Nhà nước

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, có 12 tình huống có thể phát sinh rủi ro khi nhà đầu tư tham gia dự án PPP nhưng có đến 10 loại trong số đó chưa có cách giải quyết triệt để, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư.

Tham dự hội thảo, GS. Akash Deep, Đại học Harvard Kenedy School cho rằng, Luật PPP là bước quan trọng trong việc đẩy nhanh PPP, nhưng vấn đề là thiếu khuôn khổ để đánh giá và quản lý được các nghĩa vụ dự phòng phát sinh từ những vấn đề bảo lãnh rủi ro. Các nhà đầu tư và bên cho vay muốn Nhà nước tăng các mức bảo đảm rủi ro. Ông khuyến nghị mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro. “Nhà nướcnên nhìn nhận chia sẻ rủi ro là biện pháp thay thế cho đầu tư công trong dự án PPP",GS. Akash Deep nói.

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng, điều quan trọng là Nhà nước phải hiểu rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro đó. "Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… đã có quy định sẵn để có một cơ quan chịu trách nhiệm về những vụ có thể phát sinh chưa"? Câu trả lời, theo ông, mỗi bộ, ngành phụ trách lĩnh vực riêng, không có ai chịu trách nhiệm chung cho những vấn đề phát sinh.

Tán thành ý kiến của GS. Akash Deep và PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) TS. Trần Chủng cho rằng, muốn thúc đẩy PPP thì phải giữ được bản chất “đối tác” của phương thức đầu tư này, thay vì nhà đầu tư luôn ở thế yếu còn bộ, ngành, địa phương vẫn mang quán tính “quản lý”; lỗi của nhà đầu tư thì “trị” đến nơi đến chốn, còn lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không “trị” gì cả!

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/muon-thuc-day-ppp-nha-nuoc-phai-chia-se-rui-ro-i335906/