Thuốc lá mới và những tổn thương khó phục hồi ở phổi
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… đang được quảng bá rộng rãi với hình ảnh 'ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống'.

Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng y khoa cho thấy, khói và hơi từ các sản phẩm này vẫn chứa hàng chục loại hóa chất gây hại cho đường hô hấp, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng, đặc biệt ở thanh thiếu niên có hệ hô hấp còn non yếu. Đáng báo động, không ít trường hợp viêm phổi cấp, tổn thương phổi mãn tính, hay thậm chí hội chứng tổn thương phổi cấp đã được ghi nhận.
Những tổn thương không thể xem nhẹ từ thuốc lá thế hệ mới
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương, việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng không là một lựa chọn "an toàn hơn" như cách mà một số chiến dịch quảng cáo đang ngầm khuyến khích. Ngược lại, các sản phẩm thuốc lá mới này vẫn khiến phổi phải tiếp xúc với hàng chục loại hóa chất độc hại, từ formaldehyde, acetaldehyde đến các kim loại nặng và chất kích thích thần kinh. Tất cả đều có thể gây tổn thương lớp biểu mô phổi, kích thích phản ứng viêm và gây suy giảm chức năng hô hấp nghiêm trọng.

ThS. Nguyễn Thị Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương
Thực tế ghi nhận tại các cơ sở y tế trong nước cho thấy, ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi tìm đến bác sĩ với các triệu chứng như ho kéo dài, tức ngực, khó thở, đờm vướng cổ họng, hoặc thậm chí là suy hô hấp cấp. Nhiều trường hợp trong số đó được chẩn đoán có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng trong thời gian dài hoặc với tần suất cao. Một số ca bệnh được xác định mắc hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), với biểu hiện tổn thương lan tỏa hai phổi, nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Trước quan điểm cho rằng "thuốc lá điện tử chỉ là hơi nước" và do đó "ít nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống", bác sĩ Phương Anh nhấn mạnh: "Đây là nhận định thiếu cơ sở và dễ gây hiểu lầm. Hơi từ thuốc lá điện tử không chỉ chứa hơi nước mà còn mang theo hỗn hợp hàng chục hóa chất độc hại, nhiều chất trong số đó có thể phá hủy mô phổi, làm rối loạn hệ miễn dịch của đường hô hấp".
Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, các tổn thương phổi do thuốc lá thế hệ mới gây ra thường tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm, và khi đã biểu hiện rõ ràng thì quá trình phục hồi rất khó khăn. Một số tổn thương, nếu để kéo dài, có thể để lại sẹo phổi vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khả năng vận động và sức khỏe lâu dài, nhất là ở những người trẻ còn trong độ tuổi phát triển thể chất.
Theo bác sĩ Phương Anh, việc điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương phổi do thuốc lá điện tử cũng thường phức tạp hơn so với các bệnh lý hô hấp thông thường. Nhiều bệnh nhân cần sử dụng liệu trình dài với thuốc kháng viêm, corticosteroid, và phải theo dõi sát sao để phòng biến chứng. Đặc biệt, một số trường hợp nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ máy thở hoặc nhập viện điều trị dài ngày.
Cảnh báo từ bác sĩ và lời khuyên dành cho cộng đồng
Trước làn sóng lan rộng của thuốc lá điện tử trong giới trẻ và sự tiếp cận ngày càng dễ dàng trên thị trường, ThS. Nguyễn Thị Phương Anh đưa ra lời cảnh báo: "Thuốc lá mới không phải không vô hại, nó chỉ mặc lớp vỏ bọc hiện đại. Những sản phẩm với mùi hương hấp dẫn, thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo và được quảng cáo rầm rộ… chính là cái bẫy ngọt ngào nhưng nguy hiểm cho sức khỏe thanh thiếu niên".
Với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, bác sĩ Phương Anh khuyến nghị cần chủ động tìm hiểu thông tin, trao đổi với con em mình và nâng cao nhận thức để không vô tình bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm. Các em học sinh cần được giáo dục rõ ràng về tác hại của các loại thuốc lá, kể cả dạng truyền thống hay điện tử, tránh tâm lý "thử cho biết" hoặc "vì thấy bạn bè dùng".
Bác sĩ cũng đề cập đến một câu hỏi phổ biến: Tại sao phải bỏ thuốc lá khi có người hút thuốc vẫn sống khỏe mạnh? Đây là sự ngụy biện khá phổ biến, nhưng theo thống kê y học, chỉ là ngoại lệ. Trên thực tế, 90% bệnh nhân ung thư phổi và 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá. Có người phát bệnh sau 5 năm hút thuốc, có người sau 30 năm nhưng không ai "miễn nhiễm" với tác hại của khói thuốc.
Một số người còn tin rằng hút thuốc lá "nhẹ", "siêu nhẹ" sẽ ít độc hơn. Nhưng theo bác sĩ Phương Anh, điều đó càng khiến người hút hít sâu hơn, hút nhiều hơn để đạt được lượng nicotine quen thuộc. Điều này vô tình làm tăng lượng chất độc hít vào cơ thể, khiến các loại thuốc lá "nhẹ" không những không an toàn mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiện nặng hơn.
ThS. Nguyễn Thị Phương Anh cũng cảnh báo: "Hãy cẩn trọng với những tình huống như tiệc tùng, căng thẳng, hay rượu bia bởi chúng thường là nguyên nhân khiến người đang cai thuốc tái nghiện. Đừng chờ đến khi có dấu hiệu tổn thương phổi mới nghĩ đến việc bỏ thuốc. Hãy bắt đầu từ hôm nay, vì chính mình, vì người thân và vì một cuộc sống không khói độc".
Nếu không thể tự bỏ thuốc, bác sĩ khuyên người hút hãy tìm đến các trung tâm tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá. Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trung ương và địa phương đều có hỗ trợ điều trị, tư vấn miễn phí để người dân có thể cai thuốc hiệu quả và bền vững.
Với những người đang có ý định cai thuốc, bác sĩ Phương Anh cho biết, nếu có quyết tâm, một người có thể bỏ thuốc thành công chỉ sau 5 ngày. Quan trọng nhất là có kế hoạch cụ thể: Chọn ngày phù hợp, tránh các tình huống dễ khiến tái nghiện, chia sẻ quyết tâm với người thân, và loại bỏ toàn bộ vật dụng liên quan đến thuốc lá trong không gian sống.
Cần liệt kê rõ ràng các lý do khiến bản thân muốn bỏ thuốc, tưởng tượng đến một cơ thể khỏe mạnh, một hơi thở không còn ám mùi khói thuốc, và hình dung số tiền tiết kiệm được khi không còn mua thuốc mỗi ngày. "Một điếu thuốc tưởng như vô hại có thể làm đổ sập cả hệ hô hấp. Và một quyết định đúng lúc có thể cứu cả một tương lai", bác sĩ Phương Anh nhấn mạnh.