Muốn xét danh hiệu thi đua, thầy cô vẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm
GDVN- Thầy cô cần nhớ rằng, mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không yêu cầu phải có sáng kiến, nhưng để xét danh hiệu thì vẫn phải có sáng kiến.
Ngày 13/8/2020, Chính phủ đã có Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là viên chức). [1]
Bài viết đề cập đến tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức mới nhất và đề xuất việc thực hiện sáng kiến sao cho hiệu quả, đi vào thực chất – chứ không phải chạy theo thành tích vì các danh hiệu khen thưởng.
Mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - không cần phải có sáng kiến
Thứ nhất, viên chức không giữ chức vụ quản lý (giáo viên):
Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này (xem thêm tài liệu tham khảo 1);
Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.
Thứ hai, viên chức quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và tổ phó chuyên môn):
Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này;
Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao;
Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;
100% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đáng chú ý, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2020 đồng thời bãi bỏ các Nghị định sau đây:
Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức; [2]
Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức. [3]
Trước đó, theo hướng dẫn của Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ thì viên chức muốn được xếp loại cuối năm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải có một sáng kiến, một cải tiến được cấp có thẩm quyền công nhận.
Muốn xét danh hiệu, giáo viên vẫn phải có sáng kiến
Như đã đề cập, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định “viên chức muốn được xếp loại cuối năm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải có một sáng kiến, một cải tiến được cấp có thẩm quyền công nhận”.
Thế nhưng, theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng 2003 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì việc xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho viên chức vẫn được tiến hành hàng năm. [4]
Tại Điều 9,danh hiệu Chiến sĩ thi đua ở khoản 3, thì danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Viên chức muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh/thành phố thì phải có 2 năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Hoặc để được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì viên chức phải được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” liên tục từ 5 năm trở lên.
Như vậy, viên chức muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua thành phố hay nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì bắt buộc phải có sáng kiến – thực hiện qua hàng năm.
Làm sao để sáng kiến đi vào thực chất?
Thứ nhất, để sáng kiến đi vào thực chất, giáo viên cần thực hiện những đề tài mang tính thực tiễn – nghĩa là đề tài đó phải áp dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy hoặc quản lí học sinh đã được tổ chuyên môn và hiệu trưởng nhà trường công nhận.
Chính phủ bỏ yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm từ 20/8, thầy cô có biết?
Tuyệt đối không sao chép những đề tài đã được công bố trên mạng, hoặc những đơn vị bạn đã thực hiện trước đó.
Muốn như vậy, người thầy cần có lòng tự trọng nghề nghiệp, nhất là phải ý thức được liêm chính học thuật, để từ đó luôn có tinh thần tự học, tự nghiên cứu trau dồi chuyên môn.
Một giáo viên giỏi thì phải được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tín nhiệm và dư luận phụ huynh khen ngợi - chứ không phải chạy theo thành tích thông qua những sáng kiến vô bổ hoặc không phải do mình viết ra.
Thứ hai, hội đồng chấm sáng kiến phải là những thành viên có uy tín chuyên môn cao – hơn ai hết, bản thân họ đã từng thực hiện những đề tài mang lại hiệu quả thiết thực thì mới thuyết phục được đồng nghiệp.
Việc chấm sáng kiến phải vô tư khách quan; tránh cảm tính, thành kiến hay thiên vị bởi học thuật chỉ có đúng sai; hiệu quả, chưa hiệu quả mà thôi.
Nếu nhiều sáng kiến đạt yêu cầu thì nhất thiết phải lấy theo điểm số từ cao xuống thấp (cho đến khi đủ 15% chỉ tiêu), tránh kiểu bỏ phiếu như hiện nay là rất phi khoa học.
Thứ ba, một cách làm công bằng, khách quan nhất là, ngoài việc xét điểm số, thì hội đồng cần xét đến những cống hiến của tác giả trong một năm làm việc.
Có thể là, tác giả đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên dạy giỏi; có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đạt giải hay thực hiện những dự án dạy học mang lại hiệu quả thiết thực.
Có thể khẳng định, đơn vị nào thực hiện được những quy trình làm việc như thế thì chắc chắn việc việc sáng kiến không còn bị giáo viên than phiền như hiện nay.
Dĩ nhiên, muốn làm được điều này thì từng trường học phải xây dựng được hệ tiêu chí đánh giá giáo viên cụ thể, rõ ràng, khoa học thì giáo viên sẽ đồng thuận.
Tóm lại, thầy cô cần nhớ rằng, mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không yêu cầu phải có sáng kiến, nhưng để xét danh hiệu thì vẫn phải có sáng kiến.
Tài liệu tham khảo:
[1] //luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-90-2020-nd-cp-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-188849-d1.html
[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-56-2015-ND-CP-danh-gia-va-phan-loai-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-277514.aspx
[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-88-2017-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-56-2015-ND-CP-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-357228.aspx
[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx