Mường Khương phát huy thế mạnh của cây chè
Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, huyện Mường Khương đã mở rộng vùng trồng chè. Bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu, huyện đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu chè, tạo chuỗi liên kết sản xuất ổn định, bền vững.
Đoàn viên, thanh niên giúp người dân trồng chè. Ảnh: TL
Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch trồng mới 350 ha chè. Toàn bộ diện tích trồng mới tập trung tại huyện Mường Khương, địa phương đang có diện tích chè lớn nhất tỉnh. Huyện Mường Khương hiện có gần 4.000 ha chè, trong đó gần 3.000 ha chè kinh doanh. Chè là cây hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương, chỉ tính trong năm 2020, cây chè mang lại giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Chè là cây trồng lâu năm, quen thuộc đối với người dân khu vực các xã hạ huyện: Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai và Thanh Bình. Những năm gần đây, cây chè được mở rộng đến các xã vùng cao như Cao Sơn, Tả Thàng, La Pan Tẩn. Năm 2021, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng vùng trồng chè đến các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu. Tại vùng trồng chè, người dân có thu nhập khá, sản lượng chè được các nhà máy thu mua, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất ổn định.
Tính đến cuối tháng 10/2021, người dân trong huyện đã trồng được 580 ha chè, đạt 165% kế hoạch giao, tập trung tại 15/16 xã, thị trấn.
Tại xã Dìn Chin, trong tháng 10, nhiều hộ được nhận giống chè và bước vào vụ trồng chè mới. Hằng năm, thời điểm này, người dân Dìn Chin thường đi làm thuê do đây là mùa nông nhàn, thời vụ sản xuất các cây trồng chính như lúa, ngô đã kết thúc. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều lao động chính không thể đi làm thuê, nhiều hộ trong xã mạnh dạn đăng ký trồng chè thay thế một số diện tích sản xuất kém hiệu quả.
Ông Tráng Seo Pao, thôn Dìn Chin cho biết: Tại xã chúng tôi chưa có gia đình nào trồng chè, không ai có kinh nghiệm nên khi quyết định trồng, chúng tôi rất lo. Tuy nhiên, với sự động viên của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tình của các cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã yên tâm. Chúng tôi cũng được tham quan vùng trồng chè ở những xã khác, thấy hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi kỳ vọng vào cây trồng mới này.
Tại những nơi mới “làm quen” với cây chè, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn phương pháp trồng và chăm sóc cây chè theo phương châm cầm tay chỉ việc. Thay vì mở các lớp dạy lý thuyết, cán bộ nông nghiệp trực tiếp có mặt tại khu vực trồng chè, hướng dẫn người dân đào rạch, cách trồng đúng khoảng cách, đúng kỹ thuật.
Bên cạnh việc mở rộng vùng nguyên liệu, huyện Mường Khương cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các nhà máy chế biến chè, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi cho bà con. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Khương có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tại các vùng trồng chè mới, một số phương án xây dựng nhà máy đã được đưa ra, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm khi cây chè chuyển từ giai đoạn kiến thiết cơ bản sang kinh doanh.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Chè là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương do có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Những năm tới, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng vùng trồng chè, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển, giải bài toán thoát nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chè trồng tại Mường Khương chủ yếu là giống chè Shan và chè Kim Tuyên (phục vụ sản xuất chè Ô long). Việc phát triển, mở rộng vùng trồng được thực hiện song song với thu hút xây dựng các nhà máy chế biến, đảm bảo đầu ra, ổn định liên kết sản xuất.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349660-muong-khuong-phat-huy-the-manh-cua-cay-che