Video: Cánh đồng Mường Thanh từ chiến tranh Điện Biên Phủ đến ngày nay.
Từ bao đời, cánh đồng Mường Thanh nuôi dưỡng bao thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây. Nhưng vào tháng 11/1953, khi hàng nghìn lính Pháp nhảy dù xuống lòng chảo chiếm Điện Biên, người dân bị dồn vào ở các trại tập trung, tài sản bị vơ vét, ruộng đồng bị tàn phá, bỏ hoang. Trong ảnh: Tướng Gilles (Pháp) nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ).
Suốt những tháng sau đó, cánh đồng Mường Thanh trở thành tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp, in dấu những trận đánh ác liệt của quân dân ta. (Ảnh toàn cảnh Điện Biên Phủ sau khi quân Pháp chiếm đóng tháng 2/1954).
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh trở thành trận địa pháo, nhiều nơi chằng chịt hầm hào. Trong ảnh là các chiến sĩ công binh của ta đào hào dưới đạn bom của địch để tiến công.
Sau 56 ngày đêm chiến đầu ngoan cường, nhiều chiến công và không ít thương vong, chúng ta đã buộc quân Pháp đầu hàng, rời khỏi cánh đồng Mường Thanh, rời Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta đã phát động phong trào san lấp hố bom, rà mìn, thu gom dây thép gai để khôi phục cánh đồng Mường Thanh trù phú. Trong hình là cảnh bà con dân tộc Thái (tỉnh Điện Biên) đang cấy lúa sau ngày giải phóng.
Chiến tranh đã lùi xa 70 năm. Ngày nay, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn ở vùng Tây Bắc với diện tích hơn 140 km2. Cánh đồng Mường Thanh được tính là thung lũng Mường Thanh, thuộc địa giới thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó, phần lớn diện tích cánh đồng Mường Thanh thuộc huyện Điện Biên và đây cũng là nơi chưa đô thị hóa, tập trung cho sản xuất nông nghiệp.
Trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy di tích lịch sử của trận chiến ngày nào.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh có các loại gạo ngon nổi tiếng vang danh cả nước như Séng cù, nếp nương, lứt đỏ, lứt đen, nếp than, tám thơm...
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói nổi tiếng từ lâu về 4 cánh đồng lớn - niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, Mường Thanh đứng vị trí đầu tiên.
Là đồng bào dân tộc Thái, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, bà Lường Thị Minh (55 tuổi, xã Thanh An, huyện Điện Biên) chia sẻ: “So với vụ chiêm trước thì năm nay cây lúa phát triển tốt hơn. Hiện tại, cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng nên tôi phải thường xuyên thăm đồng, chăm nom. Hi vọng mùa vụ năm nay sẽ bội thu”.
Ông Bùi Hải Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - cho biết: Diện tích trồng lúa của huyện trên cánh đồng Mường Thanh là 3.990 ha, năng suất bình quân đạt 63,23 tạ/ha; sản lượng bình quân của toàn cánh đồng Mường Thanh đạt hơn 47.000 tấn/năm; chiếm 79,94% sản lượng thóc toàn huyện. “Cánh đồng Mường Thanh đã nuôi dưỡng, đem đến cuộc sống ấm no cho người dân Điện Biên. Nay chúng tôi đang tập trung đưa thương hiệu gạo Điện Biên bay xa hơn”, ông Bình nói.
Phía nam cánh đồng Mường Thanh (tại thôn Hồng Cúm, xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) hiện có một bia di tích, đánh dấu vị trí phân khu phía Nam của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (còn gọi là phân khu Hồng Cúm) của địch. Đây là nơi tàn quân của Pháp cố thủ để hòng trốn sang Lào sau khi phân khu trung tâm thất thủ ngày 7/5/1954. Ngay cả khi tướng Đờ Cát kêu gọi đầu hàng, tướng lĩnh ở đây không tuân lệnh. Trước tình thế đó, quân ta buộc phải tiến công, đánh trận cuối cùng toàn thắng.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đang đề xuất triển khai các mục bảo tồn tôn tạo di tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích phân khu Hồng Cúm.
Nhóm PV Bạn đọc