Mướp đắng làm món này ăn vừa ngon lại đẹp da
Ngoài mướp đắng nhồi chuối, mướp đắng mang nhồi táo đỏ ăn cũng lạ miệng, thơm ngon và quan trọng là giúp thải độc da, tốt cho khí huyết.
Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu món mướp đắng nhồi chuối vừa dễ làm lại bổ dưỡng. Bởi mướp đắng là thực phẩm thanh nhiệt, giải độc tốt, không cứ ăn vào mùa hè mà mùa nào ăn cũng tốt cho sức khỏe.
Lần này, chúng tôi giới thiệu đến bạn một công thức chế biến mướp đắng mới mẻ. Không dùng chuối nữa mà sử dụng loại quả rất tốt cho chị em phụ nữ, đặc biệt những người khí huyết kém, thiếu máu. Đó là món mướp đắng nhồi táo đỏ.
Hướng dẫn cách thực hiện món mướp đắng nhồi táo đỏ
Nguyên liệu cần thiết làm món mướp đắng nhồi táo đỏ
- Mướp đắng 2 quả (số lượng có thể tăng lên nếu nhiều người ăn hơn), 1 nhúm kỷ tử, táo đỏ khoảng 200g (số lượng thực tế có thể thay đổi), bột mì, hoa mộc, mật ong.
Cách thực hiện mướp đắng nhồi táo đỏ
Bước 1: Cắt đầu đuôi của quả mướp đắng, cắt đôi thành hai khúc ngắn. Dùng đũa hoặc thìa, có thể dùng ngón tay đẩy phần lõi hạt ra bỏ đi. Rửa sạch chúng. Kỷ tử cũng mang rửa sạch, để ráo nước. Nếu bạn ngại mướp đắng có vị đắng, hãy chọn loại mướp đắng thường, mắt căng, vết sần to. Tránh chọn mướp đắng rừng loại quả bé vị đắng sẽ mạnh hơn.
Bước 2: Cho vào nồi nước 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê dầu ăn vào khi nước sôi. Cho mướp đắng vào chần qua khoảng 1 phút. Tiếp đó, vớt mướp đắng ra thả vào bát nước đá lạnh (dùng nước đun sôi để nguội) để giữ cho mướp đắng được giòn và màu xanh đẹp mắt.
Bước 3: Táo đỏ cho vào bát cùng 1 thìa bột mì, xối nước vào và bóp rửa sạch táo đỏ. Vớt táo đỏ ra để ráo nước. Dùng dao nhọn tách hạt táo đỏ, cắt đôi thành hai miếng. Làm lần lượt với số táo đỏ còn lại.
Bước 4: Xếp các nửa táo đỏ lại với nhau thành hình bông hoa, cứ mỗi bông hoa cần 7 nửa táo đỏ. Khéo léo nhồi các bông hoa táo đỏ vào ruột mướp đắng. Nhồi đến khi đầy ruột rỗng của mướp đắng.
Bước 5: Dùng dao cắt thành các lát mỏng. Xếp vào đĩa. Nếu bạn không có hoa mộc ngâm mật ong sẵn thì có thể rắc chút hoa mộc lên trên, xếp chút kỷ tử vào giữa các khoanh mướp đắng, rưới mật ong vào. Ngoài mật ong, bạn có thể dùng si rô cây phong. Ngoài hoa mộc, bạn có thể dùng hoa hồng sấy khô hoặc các loại hạt topping khác bạn ưa thích.
Lời nhắn: Nếu bạn sợ ngọt, hãy giảm lượng mật ong lại, hoặc nếu không rưới lên trên, bạn hãy chuẩn bị bát mật ong hoa mộc nhỏ bên cạnh để chấm khi ăn kèm. Thông thường, táo đỏ cũng đã có vị ngọt tự nhiên, nhiều người thường ăn trực tiếp mà không cần rưới mật.
Ăn mướp đắng (khổ qua) có lợi gì cho sức khỏe?
Ăn mướp đắng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là làn da của chị em phụ nữ. Trong những ngày hè nóng bức, cơ thể cần thanh nhiệt, giải độc kịp thời để không tích tụ chất độc hại. Bạn có thể dùng mướp đắng bổ sung vào chế độ ăn uống, bởi mướp đắng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Mướp đắng cực giàu vitamin C. Đây là vi chất quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh tật, tạo xương và chữa lành vết thương. Chúng cũng chứa hàm lượng vitamin A đáng kể có thể tan trong chất béo giúp tăng cường sức khỏe của da và chăm sóc thị lực.
Mướp đắng cũng chứa một lượng folate cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Chúng chứa một số hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ như catechin, axit gallic, axit chlorogenic có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi hư hại.
Chưa kể đến, mướp đắng có thể làm giảm mức cholesterol. Nồng độ cholesterol cao có thể khiến các mảng mỡ tích tụ trong động mạch, buộc tim phải làm việc nhiều hơn, điều này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim. Một vài nghiên cứu cho thấy chiết xuất mướp đắng có thể làm giảm mức cholesterol, giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, mướp đắng là thực phẩm lý tưởng dành cho những người ăn kiêng hoặc theo đuổi chế độ giảm cân. Bởi mướp đắng ít calo nhưng lại nhiều chất xơ. Theo Healthline, ăn khoảng 94g mướp đắng sẽ đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu chất xơ hàng ngày.
Đặc biệt, nếu bạn chán ăn, ăn không ngon miệng trong mùa hè, hãy nghĩ đến mướp đắng. Chúng có hương vị sắc nét và kích thích vị giác khá tốt.