Mưu sinh mùa nấm mối

Thời tiết mưa nắng đan xen nên nấm mối mọc khá nhiều từ đầu mùa mưa tới nay. Nhờ thế, nhiều người dân ở các làng vùng ven Pleiku kiếm được khoản thu nhập kha khá nhờ tìm nấm mối.

Cầm trên tay chiếc rổ khá lớn đựng những búp nấm mối non bóng mỡ, trên lưng là một chiếc gùi đầy nấm mối đã xòe mũ, chị H'Hoanh (làng Nhao, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) đi dọc đường Trường Chinh để bán. Chỉ chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, hơn 2 kg nấm mối của chị H'Hoanh đã được bán hết. Có vị khách còn nhiệt tình xin số điện thoại và dặn hễ có nấm mối ngon thì gọi liền cho chị. Chị H'Hoanh khoe: “Sáng ra, vợ chồng mình đi tìm nấm trong rừng thông và các vườn cà phê quanh làng. Quá buổi, chồng về nhà lo cơm nước cho các con, còn mình gùi nấm ra đường bán. Hôm nay, mình may mắn gặp nhiều nấm nên bán được hơn 400 ngàn đồng”.

Khách hàng tìm mua nấm mối hái từ các vùng ven TP. Pleiku. Ảnh: H.L

Khách hàng tìm mua nấm mối hái từ các vùng ven TP. Pleiku. Ảnh: H.L

Chị H'Hoanh bảo, hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp vợ chồng chị tìm được nhiều nấm mối. “Nhờ vậy, 3 ngày nay, mình kiếm được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này khá hơn đi làm cỏ hay bốc vác thuê, lại nhàn hơn”-chị H'Hoanh cười rạng rỡ khoe thành quả mấy ngày qua. Từ số tiền này, chị sẽ dành một phần mua đồ ăn ngon cải thiện cho bữa ăn gia đình trong ít ngày tới. Phần còn lại, chị gom để dành chuẩn bị mua sắm quần áo, đồ dùng học tập cho 3 đứa con sắp bước vào năm học mới. Nói đoạn, chị tất tả xách gùi, rổ rá trở về nhà. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt lấm tấm nước mưa cùng những vệt đất đỏ vô tình vương trên vầng trán, gò má trong lúc lấy nấm mà vì vội vã đi bán, chị còn chưa kịp rửa…

Tại cổng chợ Chi Lăng, chị Siu Chil (làng Ia Lang, phường Chi Lăng) chia nấm mối ra thành 3 chiếc túi nhỏ, mỗi túi lớn bé khác nhau để tiện định giá bán. Thấy khách quan tâm, chị Chil giới thiệu: Nấm búp 20.000 đồng/lạng, nấm nở vừa thì 15.000 đồng/lạng, còn nấm đã nở mũ to thì chỉ 7.000 đồng/lạng thôi”. Số nấm này được chị tìm thấy trên đồi thông gần nhà. “Năm nay, nấm mối mọc nhiều hơn các năm trước. Theo kinh nghiệm dân gian, hễ mưa nắng đan xen và trời hay có sấm chớp thì nấm mối sẽ mọc nhiều”-chị Chil nói. Nấm mối thường mọc thành từng vạt trên những khu đất từng có ụ mối làm tổ, đất sạch sẽ, ẩm và tơi xốp. Ở những nơi này, các năm sau, nấm sẽ mọc trở lại nếu biết hái đúng cách. Theo chị, không nên dùng đồ vật bằng kim loại để đào nấm mà phải dùng thanh tre, gỗ hoặc tay không để nhổ thì mới giữ được “giống”. Nhờ nắm giữ bí quyết này, người trong làng năm sau cứ thế tìm tới chỗ cũ mà thu hoạch nấm.

Nấm mối không phải là thực phẩm xa lạ với người dân Gia Lai. Tuy nhiên, nấm mối ngày càng hiếm gặp bởi con người sử dụng quá nhiều các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật làm mất môi trường sinh trưởng tự nhiên của nấm. Bởi thế, giá nấm mối khá đắt, 70-80 ngàn đồng/kg nấm mối già và 150-250 ngàn đồng/kg nấm non, nấm búp. Nhiều người dân sinh sống tại các làng vùng ven coi việc tìm nấm mối đem bán cũng là cách giúp họ kiếm tiền vào mùa mưa. Không cần bỏ vốn, chỉ cần chịu khó đi tìm trên những mảnh vườn rẫy, nếu may mắn họ có thể gặp nấm và lấy về bán dạo quanh các khu chợ hoặc bán rong dọc đường.

Nấm mọc nhiều vào buổi sáng và sẽ tàn khi về chiều. Do vậy, những người tìm nấm thường bắt đầu hành trình vào lúc 7-8 giờ sáng và đưa nấm ra chợ bán từ độ gần trưa trở về chiều. Nấm ngon nhất khi vừa nhú khỏi mặt đất, mũ nấm còn chưa kịp bung xòe. Nấm búp nấu chín sẽ có vị giòn ngọt và hương thơm hấp dẫn; khi mũ nấm đã nở xòe sẽ bị mất đi nhiều hương vị đặc trưng. Chị Trần Thị Thu Hà (tổ 4, phường Hội Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích ăn nấm mối. Đây là loại thực phẩm tự nhiên, giàu dưỡng chất, vì vậy mùa mưa nào tôi cũng tranh thủ tìm mua”.

HẢI LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12379/201908/muu-sinh-mua-nam-moi-5645789/