Mưu sinh trên dòng sông Sài Gòn thời dịch bệnh
Trước khi đại dịch ập đến, họ được xem là những người dân sống tạm bợ, lang bạt khi chỉ xem chiếc ghe là bạn trên dòng sông Sài Gòn. Thế nhưng, nhìn cảnh sống bình yên bây giờ của họ, ai thấy cũng khát khao… đó là hình ảnh những người dân sinh sống bên sông Sài Gòn.
Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp ở các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ. Số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM và Bình Dương lên tới 4 con số mỗi ngày. Dù trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng dịch bệnh vẫn chưa chững lại, buộc TP.HCM phải gia hạn giãn cách thêm 1 tháng. Trong khi đó, Bình Dương phải gia hạn thêm 14 ngày để kiểm soát dịch bệnh.
Cơ quan chức năng siết chặt giãn cách để khống chế dịch bệnh. Do đó, người dân hạn chế ra đường trên tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy”. Khắp phố phường ở Bình Dương khoảng 1 tháng trôi qua trong tĩnh lặng, người dân đồng lòng chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch.
Cũng là cảnh sống tĩnh lặng giữa thời dịch bệnh nhưng người dân sống quanh năm dưới sông nước có phần thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Người dân sống bên bờ sông Sài Gòn mặc dịch bệnh đang hoành hành trên đất liền, cuộc sống của họ vẫn thế, bởi vốn dĩ đã quen cảnh quanh năm như vậy.
Dạo một vòng quanh sông Sài Gòn đoạn từ TX Bến Cát đến huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), chúng tôi ghi nhận được cảnh sống yên bình của người dân. Người dân dùng ghe ra lòng sông hái rau, dùng lưới bắt cá về ăn.
“Chúng tôi sống như thế quen rồi. Khi dịch bệnh chưa ập đến, chúng tôi cũng ít ra khỏi khu vực, chỉ ra chợ bán mớ cá, bó rau hái được. Thế nhưng, dịch bệnh phức tạp chúng tôi chẳng đi đâu, trừ khi nhà hết gạo”, anh N.V (sống bên bờ sông Sài Gòn đoạn TX Bến Cát) nói.
Bà T.H (một người dân sống bên sông Sài Gòn) cho biết thêm, từ Tết nguyên đán 2021 đến nay mọi người trong gia đình chẳng tiếp xúc với người nào, bởi chẳng ai được đi đâu. “Cán bộ phát loa vận động ai ở đâu, ở yên đấy, thiếu gạo thì báo. Thế nên, chúng tôi chẳng dám đi đâu. Trước giờ vẫn thế nên quen rồi”, bà H. chia sẻ.