Mưu sinh trong lũ muộn đầu nguồn sông Cửu Long
Mưa, kéo con nước rằm tháng 9 âm lịch chớm lên. Tôm cá cũng theo về giúp một bộ phận dân nghèo sống bằng nghề câu lưới vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long có cơ hội mưu sinh sau bao ngày khốn khó vì dịch bệnh. Những cánh đồng biên giới Tây Nam giờ mênh mông nước nổi, ngư dân chộn rộn đặt dớn, chài, lưới, lú… đánh bắt những đàn cá lên đồng.
Mùa lũ đầu nguồn sông Cửu Long thường đạt đỉnh vào giữa tháng 10 (rằm tháng 9 âm lịch), theo lẽ thông thường. Vậy mà năm nay, con nước đầu mùa lên rất chậm. Tháng 7 (âm lịch) nước vẫn không “nhảy” khỏi bờ, đồng ruộng cạn khô, khiến nhiều người buồn thiu, ngóng lũ, lo mất kế sinh nhai. Đến cuối mùa, con nước lại tràn đồng, muộn hơn thông lệ hằng năm cả tháng.
1. Tranh thủ bữa nắng hiếm hoi, ông Ba Lũy kéo theo chiếc xuồng cui chất đầy dớn lưới, mớ cọc tràm, lội bì bõm trên cánh đồng ngập nước ven kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chốc lát, ông lại nhúng mình xuống nước, ướt đẫm. Mặt trời vẫn chiếu những giọt nắng chói chang trên đầu. “Biên giới là vậy đó. Nắng cháy da, mưa thì thúi đất”, ông Lũy vừa thoăn thoắt tay cắm cọc tràm thẳng hàng để kéo lưới hoàn thành đường dớn thứ 10, vừa nói.
Kéo xong đường dớn lưới, quây chiếc rọ (túi chứa cá bằng lưới để dụ cá vào dớn) cuối cùng, Ba Lũy nhảy thót lên xuồng nghỉ xả hơi. Chìa đôi bàn tay móp xọp vì cả buổi sáng ngâm trong dòng nước lạnh, rút vội từ dưới vạt xuồng ra gói thuốc lá, Ba Lũy bật lửa, rít một hơi dài để sưởi ấm cơ thể. Quét cánh tay một vòng rộng về phía cánh đồng biên giới xa xa, nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia, ông bảo, tất cả tài sản, vốn liếng đều dồn hết cho con nước cuối mùa này. Bởi năm nay, nước nổi về muộn, từ đầu tới giữa mùa, nước chỉ lấp xấp chưa qua mắt cá chân. Cánh đồng biên giới thu hoạch lúa xong, cỏ mọc xanh rờn. Vậy mà mới đây, mưa, kéo con nước lên cao, tràn đồng. “Chỗ ngập sâu nhất trên đồng cũng gần cả thước (mét), chỗ cạn cũng sáu bảy tấc tây. Nước về, tôm cá cũng theo về nên mấy anh em tui gom hết dớn lưới đóng được hơn chục đường, tổng cộng 50 cái rọ. Mấy hôm nay cá bắt đầu chạy, chủ yếu là cá linh, con nào con nấy bự cỡ ngón tay áp út”, Ba Lũy phấn khởi nói.
Chuyện con nước nổi cuối mùa “giở chứng” lên nhanh đã mau chóng lan ra cả đồng bằng. Cánh vạn chài khắp nơi cũng rục rịch dong xuồng ghe ngược dòng lên biên giới.
Ông Năm Sàng, ngư dân già ở bãi Châu Ma, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lật đật khiêng chiếc cà ràng, mớ củi khô, chai nước mắm và mấy ký gạo cuối cùng được cứu trợ trong đợt dịch bệnh thứ tư, xuống chiếc xuồng cui, bắt đầu chuyến mưu sinh mùa lũ muộn. Ngư dân 70 tuổi cố hết sức bình sinh, giựt đến năm lần, chiếc máy đuôi tôm già nua mới chịu khạc mấy cục khói đen, nổ giòn giã. Vợ chồng ông ngoái nhìn mái nhà nhỏ thoi loi giữa cồn lần cuối, rồi rồ ga cho chiếc xuồng cui chẻ nước lao đi. Tuổi già, sức yếu, ông Năm Sàng không còn dám đi xa tới tận Đồng Tháp Mười, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, như mấy năm về trước. Lần này, ngư trường lão hướng đến là cánh đồng biên giới Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Lão nhẩm tính, từ nhà tới đó cỡ hơn 30 cây số đường chim bay, nhưng phải vượt qua hai con sông lớn. Vậy mà cũng mất nửa ngày, vợ chồng ông Năm Sàng mới tới đồng nước Phú Hội. Rồi lão tranh thủ bủa gần chục tay lưới cá linh, cuối buổi chiều. Mẻ lưới đầu tiên dính được mớ cá linh chừng hơn 2 ký. Ông Sàng kêu vợ đem chút đỉnh gửi bà con chòm xóm, nơi vợ chồng ông tá túc neo đậu xuồng. Hơn nửa đời người sống nghề câu lưới, vợ chồng ông rày đây, mai đó tha hương. Chiếc xuồng nhỏ là nhà, sống chủ yếu nhờ người dưng đùm bọc. “Nhà nghèo lại càng khổ thêm vì dịch bệnh kéo dài. Nghe con nước chớm lên, tui mừng muốn rơi nước mắt vì có cơ hội mưu sinh cuối mùa nước nổi. Chỉ mong sao bữa cơm nghèo bớt phần đạm bạc, còn có dư chút đỉnh, sống lây lất qua ngày”, lão ngư dân thổ lộ.
2. Hổm rày, vợ chồng anh Út Đầy gom mớ đồ đạc xuống xuồng vô ở miết trên đồng nước biên giới Phú Hội. Tranh thủ con nước rằm tháng 9, vợ chồng anh Đầy thức suốt đêm đổ dớn. Chịu khó vậy nên thu hoạch cũng khá hơn, chứ ở không thì lấy gì nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Sáng sớm, Út Đầy lại dong xuồng máy đuôi tôm ngược đồng đi họp chợ. Cái chợ cá đồng Kênh Ruột cũng bắt đầu nhóm họp gần chục bữa nay. Dẫu tôm cá không nhiều, xuồng ghe ít hơn mọi năm nước lớn nhưng ai nấy đều khấp khởi mừng. Chị Út Đầy giở khoan đục, múc từng mớ cá đổ ra thau rồi anh Út ngồi kế bên lựa ra từng loại. “Bữa nay được gần chục ký cá đủ loại, chắc cũng được ba, bốn trăm ngàn”, chị Út Đầy “khoe” thành quả của cả đêm dài vợ chồng dầm mưa, thức trắng mưu sinh.
Mặt trời lên gần tới ngọn sào, cánh xuồng ghe của ngư dân cũng đổ về gần chục chiếc. Lúc này, chiếc ghe đục của bà Bảy Ánh, bạn hàng thu mua cá của ngư dân cũng từ vàm Kênh 13 chẻ nước lao về chòm cây gáo giữa ngã 3 Kênh Ruột. Tiếng cười nói lao xao giữa cánh đồng ngập nước, không gian chộn rộn hẳn lên. Sau khi cân cá, trả tiền, họ lại tản ra. Mỗi chiếc ghe, xuồng lao về một hướng, tiếp tục cuộc hành trình du cư theo con nước. Buổi họp chợ chỉ vỏn vẹn cỡ một tiếng đồng hồ. Nhưng đó là tất cả sự mong chờ, háo hức của những phận đời mưu sinh theo con nước nổi, mỗi ngày.
3. Vừa cất chiếc vó gạt lên, lũ cá linh đã búng mình nhảy soi sói trên mặt nước. Ông Tư Hưng cười tươi rói bảo, con nước chớm lên, cá cũng chạy khá hơn nhiều. Là ngư dân cố cựu đặt vó gạt trên kênh Tha La, ấp Cây Châm, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hơn 20 năm qua, Tư Hưng có thể nhìn con nước đoán được luồng cá di cư, không trật phát nào. Ông giải thích, cá linh có tập tính di cư theo con nước. Cá linh đẻ trứng ở thượng nguồn sông Mê Công, trứng cá theo con nước lẫn với phù sa đổ về vùng thấp, lớn lên trên đường di chuyển. Những con sông vùng biên giới Tây Nam đón những con cá đầu tiên. Đầu mùa, cá linh chỉ bằng đầu đũa ăn, thịt mềm như thể không xương nên gọi là cá linh non. Khi nước tràn đồng, lũ cá từ sông cũng theo con nước lên đồng kiếm ăn độ chừng một tháng. Lúc trưởng thành, cũng là cuối mùa nước nổi, cá theo con nước rút ngược ra sông, tìm về thượng nguồn để làm nghĩa vụ duy trì nòi giống. “Từng đàn cá linh theo con nước đổ ra sông nên gọi là mùa cá linh ra. Lúc này, ngư dân có thể dùng nhiều ngư cụ như chài, dớn, vó đánh bắt”, Tư Hưng chia sẻ.
Ông kể, nhà mấy đời làm nghề vó gạt đánh bắt cá linh trong mùa nước nổi. Anh em ông lớn lên lại nối nghiệp cha. Anh chị em trong nhà cũng nên duyên chồng vợ từ những cuộc mưu sinh trên sông nước. Mấy anh em ông, mỗi người chọn một bến nước trên dòng Tha La đặt vó để mưu sinh, năm này qua tháng khác. Rồi ông Tư Hưng chợt buồn, đưa ánh mắt ngó xa xa, nhớ lại hơn chục năm về trước. Thuở đó, tôm cá nhiều vô kể. “Cá linh phải tính bằng giạ, bằng thùng đong lúa, chứ đâu tính ký như bây giờ. Hồi đó, cả xóm đốt đèn dầu, đốt đuốc, thức sáng đêm đổ cá, cất vó, vui như trảy hội. Cá nhiều ăn không hết, mà bán cũng chẳng bao nhiêu nên bà con đổ vô lu, khạp ủ làm nước mắm cá linh ăn quanh năm”, Tư Hưng lục lọi trong ký ức.
4. Bên chòi lá trên con đường cũng là đê bao ngăn nước lũ, ông Tư Hưng bày ra nồi canh chua cá linh nấu với rau muống đồng, bông điên điển để đãi khách phương xa. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những mùa cá đã xa, về những cánh đồng nước nổi ngày càng co cụm, thưa dần, nhường chỗ cho hàng nghìn ki-lô-mét đê bao khép kín làm lúa vụ ba. Theo thời cuộc, vạn vật sẽ đổi thay, nhường chỗ cho cái mới, phù hợp hơn với tiến trình phát triển. Kể từ sau năm 2000, mùa lũ cao nhất vùng châu thổ Cửu Long phá vỡ đê bao, nhấn chìm những cánh đồng lúa sắp thu hoạch, người dân đã dần thích nghi, chung sống thuận hòa và khai thác lợi thế sông nước để mưu sinh hiệu quả. Vì thế, người ta cũng đổi cách gọi tên thành mùa nước nổi. Nhưng giờ đây, không gian văn hóa mùa nước nổi xưa, vốn làm nên bản sắc của một vùng đất trầm thủy, giờ lại khó tìm thấy ngay vùng rốn lũ đầu nguồn. Cả tôi và lão Tư Hưng đều im lặng, nghe gió đồng biên giới rả rít bên tai, mà lòng lại chạnh buồn, luyến tiếc những mùa nước nổi dần xa…