Mỹ Á - Xuân này

Chúng tôi trở lại khu Mỹ Á- nơi có 100% người dân tộc Mông sinh sống ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn khi nụ đào bắt đầu bung những cánh hoa đầu tiên báo hiệu mùa Xuân mới.

Lãnh đạo xã, khu thường xuyên đến nhà người dân tuyên truyền, vận động thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Di cư từ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sang định cư tại thung lũng dưới chân dãy núi Củm Cò những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của người Mông khu Mỹ Á trước đây gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi đường xá đi lại khó khăn. Chỉ tay theo con đường nhựa phẳng lì trước mặt, Bí thư Đảng ủy xã Thu Cúc Hoàng Minh Hận cho biết: Từ ngày được Nhà nước đầu tư, con đường này đã làm cho cuộc sống của người dân bản Mông Mỹ Á có nhiều thay đổi. Hiện nay khu Mỹ Á đã có điện, đường, trường học, nhà văn hóa khang trang, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên cuộc sống không còn khó khăn, thiếu ăn quanh năm như trước.

Học sinh khu Mỹ Á được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp.Trong ngôi nhà cấp bốn mới xây còn nồng mùi sơn, đầy đủ các vật dụng như ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, nồi cơm điện… Bí thư Chi bộ khu Mỹ Á, đồng chí Mùa A Su vui vẻ khoe với chúng tôi: Khu hiện có 140 hộ, 745 nhân khẩu, sinh sống ở tám tiểu khu. Từ ngày định canh, định cư tại Mỹ Á, dân bản được các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn cách trồng rừng, trồng chè, trồng sắn, trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên không còn tình trạng thiếu đói như trước. Mức sống của dân bản ngày một khấm khá, nhiều gia đình sau một, hai chu kỳ thu hoạch rừng đã xây được nhà kiên cố thay thế những ngôi nhà gỗ, mua sắm các phương tiện đắt tiền như xe máy, ô tô để chở khách, chở cây nguyên liệu… Hiện trong bản chỉ còn 49 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo.Để minh chứng về sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân, Bí thư Chi bộ khu Mỹ Á liệt kê cho chúng tôi biết những gia đình xây được nhà cao cửa rộng từ thành quả của việc trồng rừng và chăn nuôi như nhà ông Mùa A Nhà, Mùa A Ly, Sùng A Sinh, Mùa A Chứ... Bí thư Su cho biết: Khi mới định cư, người dân chỉ lo phát nương trồng ngô, trồng lúa để có lương thực chứ không mặn mà với việc trồng rừng mặc dù được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón. Một số hộ dân mạnh dạn trồng rừng đã chăm chỉ chăm sóc, trồng xen canh cây sắn nên sau một chu kỳ đã thu được cả trăm triệu đồng. Ngoài trồng rừng, người dân còn được cán bộ xã, huyện hướng dẫn cách chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đã biết làm chuồng trại, giữ vệ sinh môi trường. Hiện toàn xã có 115 con trâu, 100 con bò, 50 con dê, 200 con lợn và hàng ngàn con gà, vịt. Thấy được thành quả của việc trồng rừng, chăn nuôi, nhiều người dân bắt đầu nhận rừng về trồng và chăm sóc, hiện trung bình mỗi hộ dân trồng 1ha rừng, trong đó 10 hộ có từ 10ha rừng trở lên, một số hộ đã chuyển từ trồng cây nguyên liệu sang trồng quế, hiện cả khu có 10ha quế được 5 năm tuổi.

Người dân sử dụng máy móc, nâng cao hiệu quả lao động.
Là hộ trồng nhiều rừng nhất khu với hơn 30ha, gia đình ông Mùa A Chứ đã xây được hai ngôi nhà kiên cố và mua được ô tô tải để vận chuyển cây nguyên liệu. Theo chia sẻ của ông, lúc mới định cư, người dân chỉ nghĩ đến việc phát nương làm rẫy, trồng ngô, lúa nước lấy lương thưc. Khi Nhà nước vận động trồng rừng, nhiều người dân không trồng vì họ bảo cây ngô, cây lúa ăn được chứ cây gỗ làm sao mà cứu đói nên không trồng. Mấy năm đầu trồng rừng, gia đình ông trồng xen sắn nên cũng giải quyết được tình trạng thiếu lương thực, dần dần khi cây nguyên liệu lớn, ông tập trung vào chăn nuôi. Hiện gia đình ông đã xây được hai nhà kiên cố, mua được ô tô tải chở cây nguyên liệu. Ông Chứ cho biết, những ngôi nhà to đẹp mới xây trong bản đều từ trồng rừng mà có.
Ngoài trồng rừng, chăn nuôi, người dân Mỹ Á còn trồng chè, trồng sắn nên thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Minh Hận thông tin thêm: Không chỉ trồng sắn, người dân còn mượn đất ở các khu lân cận để canh tác, có những gia đình chăm chỉ làm lụng, mỗi năm thu được cả tấn sắn, không chỉ phục vụ cho chăn nuôi mà còn bán ra thị trường.Khu người Mông Mỹ Á hôm nay so với mười năm trước thật sự đã thay da đổi thịt. Để xây dựng đời sống văn hóa, Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể, nhất là chi hội phụ nữ vận động các gia đình bỏ hủ tục bắt vợ, thực hiện đúng quy định của pháp luật, thanh niên kết hôn đúng độ tuổi và chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt.Rời Mỹ Á khi tiếng mõ lộc cộc của đàn trâu về chuồng, các gia đình trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, học sinh tan học ríu rít trên đường rộng thênh thang về nhà, chúng tôi vui với niềm vui của bà con bản Mông khi cuộc sống ngày càng thêm đổi mới. Vút tầm mắt những cánh rừng xanh mướt cây quế, keo, bạch đàn đang rì rào trong gió Xuân hứa hẹn sẽ đem tới sự ấm no, hạnh phúc hơn cho bà con khu người Mông mai này.

Chi Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202201/my-a-xuan-nay-182535