Mỹ áp thuế 46%: Việt Nam có 'cửa' đàm phán lại mức thuế?
Khi Mỹ áp thuế cao, những mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Tăng trưởng GDP cũng bị ảnh hưởng nếu không có giải pháp kịp thời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan mới, có hiệu lực từ 9/4. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%.
Báo Xây dựng trò chuyện với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) xung quanh vấn đề này.
Ngành hàng nào sẽ chịu tác động?
Theo ông, chính sách mới này từ Mỹ sẽ tác động ra sao đến các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ ?
Ngay từ lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có động thái áp thuế cao với một số nước, tôi đã cảnh bảo thương chiến, và điều đó đã xảy ra.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR).
Vấn đề chung mà các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đối mặt là chi phí cao hơn do thuế suất cao từ Mỹ. Điều này có thể khiến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Mỹ.
Một số ngành như dệt may, thủy sản, và điện tử sẽ chịu tác động mạnh mẽ, vì Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của các ngành này. Nếu không có giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác hoặc giảm thị phần tại Mỹ.
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo đo lường của ông, liều lượng, mức độ chịu tác động từ "cú sốc" này tới chúng ta ra sao??
Tác động đầu tiên mà doanh nghiệp Việt phải hứng chịu là giảm năng lực cạnh tranh so với các quốc gia khác. Những mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Từ đó, Việt Nam cũng sẽ mất đi nguồn thu từ thuế và cơ hội tạo việc làm.

Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ năm 2024.
Mặc dù các quốc gia như Trung Quốc hay EU đã phải đối mặt với mức thuế cao, nhưng nhiều quốc gia có mức thuế thấp hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn đối với những mặt hàng tương tự mà Việt Nam xuất khẩu.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn chịu tác động cộng hưởng từ toàn cầu. Cú sốc toàn cầu, bao gồm chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, đã và sẽ giảm sút thương mại toàn cầu và đầu tư quốc tế.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam. Bởi nếu xuất khẩu và nhập khẩu giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc duy trì sự tăng trưởng.
Ngoài ra, sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam…
Tác động khác cũng vô cùng quan trọng là thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước đây, Việt Nam có lợi thế thu hút FDI nhờ vào việc các nhà đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại và các chính sách thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam phải chịu mức thuế cao, lợi thế này sẽ giảm đi rất nhiều. Các nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại quyết định đầu tư vào Việt Nam, nhất là khi thuế quan không còn tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Các nhà đầu tư có thể quay trở lại Mỹ hoặc chuyển sang các quốc gia khác với chi phí sản xuất thấp hơn và mức thuế thấp hơn, điều này sẽ khiến Việt Nam mất đi một phần lớn dòng vốn đầu tư.
Cần đề xuất tạm hoãn việc áp thuế
Vậy, Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế của Mỹ trong tương lai?
Trước mặt, Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán tạm hoãn thuế. Việt Nam có thể đề xuất tạm hoãn việc áp thuế cao trong một khoảng thời gian nhất định để tạo cơ hội cho cả hai bên (Mỹ và Việt Nam) tiến hành đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp của hai bên có thời gian chuẩn bị, giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Một giải pháp quan trọng khác là Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là các hiệp hội lớn từ EU và các quốc gia khác để cùng đưa ra các kiến nghị và phối hợp đàm phán về thuế quan và chính sách thương mại, từ đó bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Việc này không chỉ giúp duy trì các quan hệ thương mại hiện có mà còn giúp thúc đẩy các cơ hội hợp tác mới với các thị trường ngoài Mỹ, hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Chính sách thuế quan mới có hiệu lực từ 9/4.
Ông nhận định ra sao về cơ hội và hiệu quả đàm phán?
Để làm được thì Việt Nam cần minh bạch hóa các chính sách của mình, đặc biệt là trong việc chống gian lận xuất xứ và chính sách hỗ trợ.
Việc công khai rõ ràng các thông tin về chính sách sẽ giúp Mỹ và các quốc gia khác hiểu rõ hơn về chính sách thương mại của Việt Nam.
Việt Nam cũng cần thể hiện thiện chí và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự bất bình đẳng thương mại mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, giảm bớt những lo ngại về các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Trong trường hợp đàm phán không đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn thì sao?
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng và sản xuất. Khi thuế quan tăng cao và các quốc gia phải đối diện với những thách thức lớn về chi phí sản xuất, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải tái cấu trúc.
Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất trở lại các quốc gia phát triển hoặc chuyển sang các quốc gia khác có chi phí sản xuất thấp hơn và mức thuế thấp hơn.
Chúng ta cũng cần chủ động tìm kiếm và phát triển các chiến lược mới để duy trì lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI từ các quốc gia khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Hiện, Việt Nam đã tham gia và thực thi 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới. Mục tiêu của những hiệp định này không chỉ để mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nhờ nhiều ưu đãi thuế quan. Lợi ích của những ưu đãi này trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây là thời điểm doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường nhờ tận dụng các ưu đãi thuế quan.
Về nguyên tắc, trong nhiều FTA, các nước tham gia cam kết giảm dần thuế quan trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ như 5, 10 hoặc 15 năm. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể được miễn hoàn toàn thuế quan khi xuất khẩu sang các quốc gia đối tác trong khu vực FTA.
Đây là lợi thế to lớn, nhưng thông thường lại quy định các "quy tắc xuất xứ" khá chặt chẽ. Do đó, khiến doanh nghiệp e ngại. Để thực hiện được, tôi cho rằng Nhà nước cần nâng vai trò kiến tạo và giúp đỡ, đặc biệt là nâng vai trò phổ biến từ các hiệp hội ngành hàng để việc thực hiện được hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ trưởng Công thương đang báo cáo với Chính phủ về tác động chính sách thuế quan của Mỹ đối với xuất khẩu và ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cũng như các giải pháp để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.
Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Có tới 15 nhóm ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm 2024, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; điện thoại; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; chất dẻo; thủy sản; túi xách, ví, vali; đồ chơi, dụng cụ thể thao; sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hạt điều, dây điện và dây cáp điện…
Trong đó có 3 nhóm hàng áp đảo gồm: Máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%); máy móc thiết bị với 22 tỷ USD (18,5%) và dệt may với 16,2 tỷ (13,5%).
Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua khi đây được đánh giá là thị trường tiêu dùng lớn, nhu cầu cao.