Mỹ 'viết lại' quy tắc thương mại toàn cầu

Chính sách thuế quan của Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại mới.

Container tại cảng Oakland, California (Mỹ), ngày 6/3. (Nguồn: Reuters)

Container tại cảng Oakland, California (Mỹ), ngày 6/3. (Nguồn: Reuters)

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 31/3 công bố Báo cáo Ước tính thương mại quốc gia, trong đó thống kê chính sách, quy định của các nước mà họ coi là rào cản thương mại, cả thuế quan và phi thuế quan. Báo cáo này được đưa ra chỉ hai ngày trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế nhập khẩu đối ứng với tất cả đối tác thương mại.

Đòi lại công bằng?

Trong cuộc gặp giới truyền thông sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã liệt kê các trường hợp có thương mại không công bằng với Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) áp 50% thuế đối với sản phẩm sữa, Nhật Bản áp 700% thuế gạo, Ấn Độ áp 100% thuế nông sản và Canada áp 300% thuế đối với bơ và phô mai của Mỹ….

Theo đó, bà Leavitt cho rằng, Mỹ đã bị “bóc lột” trong nhiều thập kỷ qua, khiến các sản phẩm của họ gần như không thể xuất khẩu sang được những thị trường này, nhiều người Mỹ phải đóng cửa doanh nghiệp và mất việc làm… Đã đến lúc Washington phải áp thuế quan “có đi có lại” để “đòi lại công bằng”.

Trước đó, trong nỗ lực “viết lại” các quy tắc thương mại toàn cầu của mình, Tổng thống Trump đầu tháng Hai đã ban hành một sắc lệnh hành pháp dựa trên đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), cho phép Mỹ dựng hàng rào thuế quan, công bố một loạt thuế nhập khẩu bổ sung đối với đối tác thương mại lớn. Mỹ cũng đã áp thuế nhập khẩu lên nhôm, thép, xe hơi của nhiều đối tác và thuế bổ sung với toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc…

“Trong lịch sử hiện đại, không tổng thống nào nhận ra các rào cản thương mại với doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ nhiều như Tổng thống Trump. Chính phủ đang nỗ lực giải quyết các động thái bất công, khôi phục công bằng và ưu tiên cho doanh nghiệp, người lao động”, Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết.

Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) đánh giá, công cụ chính sách đối ngoại ưa thích của ông Trump là thuế quan. Đối với ông, thuế quan không chỉ là công cụ bảo hộ thương mại, mà còn là “vũ khí hữu hiệu” để gây áp lực lên các đối tác, buộc họ phải nhượng bộ theo các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.

Hơn nữa, thuế quan không chỉ được sử dụng như một đòn bẩy đàm phán, mà còn như một nguồn doanh thu, mà tổng số tiền thu thuế có thể có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ và nợ quốc gia. Tổng thống Trump cũng từng cho biết, thuế quan sẽ khiến nước Mỹ “giàu có”. Hay Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro bình luận trên Fox News rằng, thuế quan sẽ giúp Mỹ tăng thu khoảng 600 tỷ USD/năm và 6.000 tỷ USD trong một thập kỷ.

Thế nhưng, các nhà kinh tế ước tính số tiền Mỹ thu được có thể sẽ ít hơn nhiều so với kỳ vọng của Nhà Trắng. “600-700 tỷ USD/năm là điều không khả thi, nếu may mắn thì có thể đạt 100-200 tỷ USD”, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Mark Zandi dự đoán.

Trên thực tế, các căng thẳng thương mại nảy sinh từ các tuyên bố thuế quan từ đầu tháng 2/2025 tới nay của ông Trump và sau đó là các động thái trả đũa, tuyên bố đáp trả cứng rắn của các đối tác thương mại đã tạo ra một “khởi đầu xáo động đáng chú ý” trong những tháng đầu tiên ông nhậm chức.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ các nước đều cố gắng tìm hiểu chính xác Nhà Trắng muốn gì, cũng như chuẩn bị cho những động thái tiếp theo – có thể là sự nhượng bộ, nhưng cũng có thể là sự trả đũa.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa dịch vụ hơn từ các nước so với lượng hàng xuất khẩu không phải là điều xấu, mà chỉ là phản ánh nhu cầu trong nước mạnh mẽ đối với hàng hóa có giá tốt hơn từ bên ngoài.

Điểm cân bằng mới

Ngay trước ngày Washington chính thức công bố về thuế đối ứng, nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích rằng - việc tính toán thuế quan đối ứng của Mỹ, bao gồm cả thuế VAT là vô lý và không minh bạch, có thể làm leo thang căng thẳng và vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của WTO.

Diễn biến cho thấy, chính sách thuế quan này không chỉ là công cụ bảo hộ thương mại mà còn là “phép thử” đối với nền kinh tế toàn cầu. Các đối tác của Mỹ bị tác động phải lựa chọn giữa nhượng bộ để duy trì quan hệ với Washington hoặc phản ứng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Châu Á trở thành mục tiêu số một không chỉ vì Trung Quốc, mà vì khu vực này còn là nơi tập trung nhiều đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kiên quyết đáp trả bằng cách áp thuế lên các sản phẩm của Mỹ, như than đá, khí thiên nhiên và ô tô. Bắc Kinh cũng siết chặt xuất khẩu khoáng sản và trừng phạt doanh nghiệp Mỹ.

Nhật Bản không chọn đối đầu trực tiếp mà tìm cách thỏa hiệp thông qua đàm phán, đề xuất tăng cường đầu tư vào Mỹ và nhập khẩu LNG. Hàn Quốc đàm phán để giảm thuế và hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Trong bối cảnh này, Thái Lan tuyên bố sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Malaysia và Indonesia cũng tìm cách tăng cường liên kết kinh tế nội khối để giảm phụ thuộc.

Tại Bắc Mỹ, nước láng giềng Mexico đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ nước này, đặc biệt là nông sản và thép. Canada cũng áp thuế 25% lên 155 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, tập trung vào các ngành công nghiệp chủ chốt như thép và năng lượng, đồng thời đàm phán giảm căng thẳng. Tình hình có thể làm tổn hại nền kinh tế Bắc Mỹ vì Mexico và Canada là các đối tác chính trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Liên minh châu Âu (EU) kết hợp đàm phán và trả đũa. Sau khi Mỹ áp thuế lên thép và nhôm, EU tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng cách áp thuế lên rượu vang, xe máy và hàng công nghệ cao từ Mỹ. EU cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng các hiệp định thương mại với châu Á và Mỹ Latinh.

Xem ra cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác không chỉ liên quan đến thuế quan mà còn phản ánh sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới. Chính sách bảo hộ của Mỹ đặt ra câu hỏi về tương lai của các hiệp định thương mại đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm “điểm cân bằng mới” trong cuộc chiến thuế quan, các quốc gia lần lượt kích hoạt chiến lược dài hạn để thích ứng.

Giới bình luận quốc tế cho rằng, vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đang phủ lên bức tranh thương mại toàn cầu những gam màu tối với chính sách “Nước Mỹ trên hết” và “vũ khí” thuế quan trên diện rộng. Nhưng liệu nước Mỹ có thể một mình “vĩ đại trở lại” trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau? Phản ứng thận trọng và đa chiều của cộng đồng quốc tế, rất có thể sẽ mang đến những hệ lụy khó lường cho tất cả.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-viet-lai-quy-tac-thuong-mai-toan-cau-309822.html