Mỹ-Australia: Quan ngại 'tuyên bố chủ quyền không dựa trên cơ sở pháp lý' của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 16/9, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Australia cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Anthony Blinken đã tiến hành tham vấn thường niên theo cơ chế '2+2' lần thứ 31 tại thủ đô Washington D.C, Mỹ.

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến dự một cuộc họp báo chung ở Washington D.C ngày 16/9. (Nguồn: AP)

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến dự một cuộc họp báo chung ở Washington D.C ngày 16/9. (Nguồn: AP)

Trong tuyên bố chung sau cuộc tham vấn, các bộ trưởng nêu bật tầm quan trọng của việc các nước có thể thực hiện các quyền và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cùng với việc sử dụng hợp pháp vùng biển này trên bình diện quốc tế gắn với các quyền tự do đó.

Mỹ và Australia khẳng định, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều cần thiết cho ổn định, thịnh vượng của khu vực và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước có thể thực hiện các quyền và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS.

Các Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và tổ chức các cuộc tập trận trên biển với nhiều đối tác cũng như quyết tâm phối hợp với đối tác để đối phó với những hoạt động "vùng xám".

Bày tỏ quan ngại lâu nay về những tuyên bố chủ quyền hàng hải rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông mà không dựa trên cơ sở pháp lý, tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp hữu quan trong nước, trong đó có Luật An toàn giao thông hàng hải, theo cách phù hợp với UNCLOS và tái khẳng định Phán quyết trọng tài 2016 có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên.

Các Bộ trưởng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với hành động quân sự hóa các thực thể địa lý đang có tranh chấp và những hành vi gây mất ổn định khác, bao gồm việc sử dụng một cách nguy hiểm lực lượng tuần duyên và dân quân biển cũng như các nỗ lực làm gián đoạn hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.

(theo AFP, TASS)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-australia-quan-ngai-tuyen-bo-chu-quyen-khong-dua-tren-co-so-phap-ly-cua-trung-quoc-o-bien-dong-158777.html