Trên website của Không quân Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Space Launch Delta 30 (SLD 30) thông báo đã phải bấm nút tự hủy siêu tên lửa liên lục địa hạt nhân Minuteman III khi nó đang bay trên vùng trời Thái Bình Dương trong vụ phóng vào hôm 01/11.
Quyết định hủy được đưa ra khi SLD 30 phát hiện sự bất thường sau khi tên lửa rời hầm chứa (silo) ở căn cứ của lực lượng không gian tại Vandenberg, bang California.
Không quân Mỹ không đề cập chi tiết về vụ việc, nhưng cho hay đã thành lập tổ phân tích nhằm tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.
"Bộ chỉ huy thu thập kinh nghiệm trong mỗi lần phóng", Đại tá Lauren Linscott thuộc SLD 30 cho biết.
Đại tá Lauren Linscott nói thêm, việc thu thập dữ liệu cho phép Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ phát hiện và điều chỉnh mọi vấn đề có thể xảy đến cho hệ thống vũ khí chiến lược của nước này.
Hàng trăm tên lửa Minuteman III đang nằm trong hầm chứa của các căn cứ Không quân Mỹ ở tiểu bang Wyoming, Montana và Bắc Dakota.
Không quân Mỹ nói rằng loại tên lửa này đã được phóng thử hơn 300 lần kể từ khi chúng được đưa vào trang bị.
Tên lửa hạt nhân Minuteman III là một trong những vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất hiện nay trên thế giới.
Sức hủy diệt của chúng gấp hàng trăm lần quả bom hạt nhân Mỹ từng thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
Tên lửa đạn đạo hạt nhân Minuteman III có khả năng bay cực nhanh, khiến cho các hệ thống đánh chặn của đối phương đành thúc thủ.
Với vận tốc lên tới Mach 23 (28.176 km/h, hoặc 7.8 km/s) cao hơn cả siêu tên lửa Avangard (Mach 20) của Nga, Minuteman III của Mỹ chính là tên lửa có vận tốc khủng khiếp nhất mà con người từng chế tạo.
Tên lửa Minuteman III hiện là lực lượng nòng cốt trong kho hạt nhân phóng từ mặt đất của quân đội Mỹ.
Loại tên lửa hạt nhân chiến lược này được coi là niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, là thành quả của 30 năm nghiên cứu và phát triển.
Nó là thành viên thứ ba của gia đình tên lửa đạn đạo Minuteman do tập đoàn Boeing phát triển cho lực lượng tên lửa chiến lược Mỹ.
Minuteman III là loại tên lửa 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26 mét, tầm bay cao 1.120 km, tầm bắn 13.000 km.
Nếu khai hỏa từ căn cứ không quân ở California, siêu tên lửa hạt nhân này chỉ cần khoảng 30 phút để đánh trúng mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của mọi đối thủ.
Cơ chế phóng của tên lửa gồm: 1: Khởi đầu giai đoạn 1, điểm hỏa động cơ thứ nhất đẩy tên lửa ra khỏi giếng (A); 2: Khoảng 60 giây sau, khai hỏa động cơ thứ 2, tầng thứ nhất tách ra, rơi xuống, kết thúc giai đoạn 1, chuyển sang giai đoạn 2 (B); 3: Khoảng 120 giây sau, động cơ thứ 3 (C) được khai hỏa và tầng thứ 2 tách ra, rơi xuống.
Bắt đầu giai đoạn 3: Khoảng 180 giây sau, tầng thứ 3 tách ra, bóc vỏ và lớp chụp đầu đạn (D) để lộ đầu đạn. Phần đế gắn đầu đạn sẽ chuẩn bị được tách ra bay theo quán tính.
Trong 2 giai đoạn này, bộ vi xử lý của đầu đạn sẽ tự dẫn, nó sẽ lấy độ cao rồi tự phân hướng và phóng liên tiếp xuống và phá hủy toàn bộ mục tiêu.
Minuteman III áp dụng mô hình phóng đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường, có thể mang một hoặc tối đa 3 đầu đạn hạt nhân loại W62, W78, W87.
Mỗi đầu đạn W87 có sức công phá tối đa xấp xỉ 500 kiloton, tức gấp 31 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Minuteman III được thiết kế bao gồm 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn; mỗi tầng tương ứng với một loại động cơ đẩy, chỉ sử dụng trong một giai đoạn bay, sau đó sẽ tách ra và rơi xuống.
Giai đoạn 1 sử dụng động cơ Thiokol TU-122 (M-55); giai đoạn 2 là động cơ Aerojet-General SR-19-AJ-1, còn giai đoạn 3 sử dụng Aerojet/Thiokol SR73-AJ/TC-1 làm động cơ đẩy.
Để bảo mật an toàn, cơ chế điều khiển phóng của loại tên lửa này được áp dụng công nghệ điện tử cũ để hạn chế việc bị tấn công bằng hệ thống mạng internet , cướp quyền điều khiển.
Mỹ sở hữu khoảng 450 tên lửa Minuteman III cùng khoảng 3.800 đầu đạn trong trạng thái chiến đấu và 2.000 đầu đạn niêm cất.