Mỹ bắt bí NATO
Cuộc gặp đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Marco Rubio với các đồng nghiệp trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ trong liên minh quân sự này cay đắng nhiều hơn là hài lòng.
Tâm trạng và cảm nhận này chắc chắn sẽ còn dai dẳng đối với NATO chứ không dễ có thể sớm nguôi ngoai. Chúng liên quan trực tiếp đến việc phía Mỹ không khẳng định mạnh mẽ và chắc chắn cam kết của mình trong khuôn khổ NATO về bảo đảm an ninh cho các thành viên NATO mà còn gây bất đồng quan điểm với tổ chức này đồng thời trên ba phương diện.
Thứ nhất, NATO vẫn duy trì quan điểm chính thức coi Nga là kẻ thù và kiên định quyết tâm hậu thuẫn Ukraine để Ukraine thắng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền mới ở Mỹ lại chủ trương bình thường hóa quan hệ với Nga và cùng Mátxcơva tìm kiếm giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Đáng chú ý là Mỹ sẵn sàng chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Nga là chủ yếu và sẵn sàng bất chấp mọi quan ngại hay điều kiện tiên quyết của Liên minh châu Âu (EU), NATO và Ukraine. Đại đa số thành viên NATO, cũng là thành viên EU, đã liên tiếp bị nhận đòn áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của mình xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tiêu chí hành xử bây giờ của ông Donald Trump và cộng sự đối với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ trong NATO và EU không còn là cùng ý thức hệ, hệ giá trị, cùng kẻ thù và địch thủ. Tất cả chỉ còn là lợi ích riêng thuần túy của nước Mỹ theo cách tiếp cận và nội hàm của ông D.Trump cũng như cộng sự.
Thứ hai, ông M.Rubio quả quyết là ông D.Trump hiện không có ý định rút nước Mỹ ra khỏi NATO nhưng đồng thời cũng chính thức nêu yêu cầu của Mỹ là các thành viên NATO dành 5% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quốc gia hằng năm để chi cho ngân sách quân sự và quốc phòng.
Phía sau đòi hỏi này của Mỹ là quan điểm cho rằng các thành viên NATO từ nay phải tự tăng cường vũ trang mạnh mẽ và phải bỏ ra nhiều công của hơn để tự bảo đảm an ninh cho mình ở châu Âu. Như thế cần sự chủ động về ngân sách cho quốc phòng chứ không còn có thể cứ tiếp tục núp náu dưới cái ô bảo hộ an ninh của Mỹ.
Phía sau đó còn có ẩn ý EU và NATO phải tự lo giải quyết vấn đề quan hệ của họ với Nga và vấn đề cuộc chiến ở Ukraine cả hiện tại lẫn thời hậu chiến. Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ với Nga thì đương nhiên không thể lãnh đạo NATO và đóng vai trò chính.
Mức độ 5% GDP quốc gia hằng năm này trên thực tế quá cao đối với hầu hết thành viên NATO. Nhiều thành viên của tổ chức này không đủ khả năng thực tế để đáp ứng cũng như không thông suốt việc phải bỏ ra nhiều tiền của đến như vậy để đối phó Nga và hậu thuẫn Ukraine. Ở đây cũng còn có thể thấy được rất rõ là Mỹ bắt bí các đồng minh trong NATO.
Gây áp lực như thế tới các đồng minh trong NATO giúp Mỹ vừa không khó xử với Nga, vừa có thể duy trì con bài NATO trong xử lý quan hệ với Nga, lại vừa buộc NATO phải lụy Mỹ nhiều hơn.
Thứ ba là Mỹ khoanh vùng phạm vi hoạt động của NATO là trong ranh giới của NATO, không để cho tổ chức này đóng bất cứ vai trò gì ở cả tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine cũng như cho mọi chuyện an ninh ở Ukraine và liên quan đến Ukraine trong thời hậu chiến. Thông điệp của Mỹ từ đó còn là không đồng ý cho Ukraine gia nhập NATO trong tương lai.
Mỹ vẫn ở trong NATO nhưng NATO giờ đã khác biệt cơ bản so với trước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/my-bat-bi-nato-698211.html