Mỹ bất ngờ điều 12.000 quân nối lại tập trận trên Biển Đông vào 17.7
Hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã nối lại các cuộc tập trận kép hiếm hoi ở Biển Đông, lần thứ hai trong tháng này.
Theo Hạm đội Thái Bình Dương, các nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Ronald và USS Nimitz với hơn 12.000 nhân viên quân sự trên hai tàu sân bay cũng như trên các tàu tuần dương và tàu khu trục hộ tống, đã hoạt động ở Biển Đông kể từ thứ sáu hôm qua, 17.7.
Tuyên bố cũng cho biết hai tàu sân bay, với hơn 120 máy bay được triển khai, đang thực hiện các cuộc tập trận chiến thuật phòng không "để duy trì sự sẵn sàng và thành thạo trong chiến đấu".
"Cuộc tập trận của hai nhóm tác chiến tàu sân bay yêu cầu các tàu phải duy trì mức độ sẵn sàng cao nhất để đảm bảo khả năng đáp ứng với mọi tình huống bất ngờ dựa trên tính toán".
Trước đó, tàu Nimitz và Reagan đã hiện diện ở Biển Đông hồi đầu 7 và sự kiện đó đã gây chú ý khi lần đầu tiên hai tàu sân bay Mỹ hoạt động trên khu vực kể từ năm 2014 và chỉ lần thứ hai kể từ năm 2001. Lầy ấy, theo Sean Brophy, người phát ngôn trên tàu Reagan, đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng nhau ở Biển Đông kể từ năm 2014 và chỉ là lần thứ hai trong thế kỷ 21. Tuyên bố của Hải quân Mỹ khi đó cho biết: "Những nỗ lực này hỗ trợ cho các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện quyền hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Và không cần phải chờ đến 7 năm mà chỉ thêm chừng nửa tháng, 2 tàu sân bay Mỹ lại biểu dương sức mạnh tại Biển Đông. Lần biểu dương này gây chú ý hơn nữa trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đặc biệt dâng cao sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14.7 đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lời lẽ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao còn thể hiện thái độ đanh thép của Mỹ kèm theo lời mang tính chất hiệu triệu: "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là sân sau của mình. Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền và từ chối mọi nỗ lực tự áp đặt luật kẻ mạnh trên Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn".
Và khác với các lần trước, lần này Mỹ thể hiện quyết tâm bằng việc chỉ một ngày sau khi phát ngôn, Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) đến hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Hạm đội 7 tuyên bố: "Hoạt động tự do hàng hải này duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển một cách hợp pháp, được luật pháp quốc tế công nhận. Các lực lượng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông hàng ngày, như những gì chúng tôi đã làm trong hơn một thế kỷ qua".
Khi sự hiện diện của một tàu khu trục chưa làm Bắc Kinh hết phẫn nộ thì Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay với 12.000 quân tập trận trở lại Biển Đông. Trong lần biểu dương sức mạnh trên Biển Đông vào thứ sáu hôm qua, Hải quân Mỹ tiếp tục sử dụng ngôn từ thể hiện thái độ tương tự.
Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy tàu sân bay Nimitz tuyên bố: "Các nhóm tác chiến của tàu sân bay Nimitz và Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, để củng cố cam kết của chúng tôi đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, theo trật tự quốc tế, và củng cố cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực".
Dù vậy, Mỹ cũng khẳng định việc điều tàu sân bay tập trận trở lại Biển Đông chỉ thuần túy là vấn đề kỹ thuật: "Sự hiện diện của hai tàu sân bay ở Biển Đông không phải là phản ứng với bất kỳ sự kiện chính trị cụ thể nào, mà là một phần của tập luyện thường xuyên để thực hiện và nâng cao khả năng tương tác chiến thuật. Trong hơn 75 năm, Hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu sân bay hoạt động tác chiến trong khu vực".