Mỹ: Các trường đại học và quỹ tài trợ tăng cường đầu tư vào bitcoin
Các quỹ tài trợ và quỹ trường của các trường đại học Mỹ đang tăng cường đầu tư vào tiền điện tử, hòa vào làn sóng đổ xô vào tài sản kỹ thuật số.
![Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_324_51444435/18e417c1238fcad1939e.jpg)
Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Làn sóng này được thúc đẩy một phần bởi cam kết của Tổng thống Donald Trump sẽ biến quốc gia này thành "siêu cường bitcoin".
Bất chấp tính biến động cao, tiền điện tử đã hoạt động vượt trội so với các loại tài sản khác trong 5 năm qua. Nhiều nhà đầu tư từng đứng ngoài quan sát nay đang tham gia vì sợ bỏ lỡ đà tăng giá phi mã của tài sản này.
Đại học Austin đang huy động quỹ bitcoin trị giá 5 triệu USD, quỹ đầu tiên thuộc loại này trong số các quỹ trường và quỹ tài trợ của Mỹ. Quỹ bitcoin này sẽ là một phần của quỹ trường trị giá 200 triệu USD của trường.
Hồi tháng 10/2024, Đại học Emory (Georgia) là trường đại học đầu tiên công khai nắm giữ các quỹ ETF bitcoin. Quỹ Rockefeller, nắm giữ 4,8 tỷ USD, đang xem xét tăng cường đầu tư vào tiền điện tử, sau khi đã đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tiền điện tử hai năm trước.
Ông Chun Lai, Giám đốc đầu tư của Quỹ Rockefeller, bày tỏ Rockefeller không muốn bị bỏ lại phía sau khi tiềm năng của tiền điện tử trở nên rõ ràng.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm tiền điện tử đang chứng kiến dòng vốn lớn từ các quỹ trường và quỹ tài trợ, những tổ chức trước đây còn e dè. Pantera Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu về tài sản kỹ thuật số, đã chứng kiến số lượng khách hàng là quỹ trường và quỹ tài trợ tăng gấp 8 lần kể từ năm 2018.
Các quỹ trường và quỹ tài trợ hàng đầu của Mỹ là một trong những nhà đầu tư tổ chức đầu tiên chấp nhận tiền điện tử. Quỹ hiến tặng của Đại học Yale đã đầu tư vào hai quỹ đầu tư mạo hiểm tiền điện tử vào năm 2018, khi giá bitcoin còn thấp hơn nhiều so với hiện nay.
Britt Harris, cựu Giám đốc đầu tư của quỹ trường thuộc trường Đại học Texas/Texas A&M, nắm giữ 78 tỷ USD, cho biết quỹ này đã thực hiện một khoản đầu tư thử nghiệm nhỏ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tiền điện tử vào đầu những năm 2020.
Dù đã có sự thay đổi về thái độ, song nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại. Giáo sư Eswar Prasad từ Đại học Cornell cảnh báo: "Tôi rất lo ngại về việc các tổ chức đầu tư đổ tiền vào một tài sản đầu cơ thuần túy và không có khả năng phòng ngừa rủi ro tốt".
Một chỉ số theo dõi 10 loại tiền điện tử có giá trị nhất do Bitwise Asset Management tổng hợp đã tăng 64% mỗi năm trong 5 năm qua, vượt xa mức tăng 14,5% của chứng khoán Mỹ.
Dù tiền điện tử vẫn đối mặt với nhiều thách thức, một số quỹ trường vẫn tin vào giá trị dài hạn của tài sản kỹ thuật số. Chad Thevenot, Phó chủ tịch cấp cao của Đại học Austin, cho biết quỹ trường sẽ giữ danh mục tiền điện tử trong ít nhất 5 năm.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác, như Brian Neale của Quỹ Đại học Nebraska, vẫn thận trọng. Ông cho rằng tiền điện tử chưa phải là một loại tài sản "có thể đầu tư cho tổ chức" do tỷ lệ chấp nhận còn thấp và thiếu khung pháp lý rõ ràng.
Ông Neale cũng đề cập đến việc chính quyền Mỹ có thể thúc đẩy mọi thứ đi đúng hướng. Nhưng việc Tổng thống Mỹ phát hành tiền ảo riêng chưa hẳn là một động lực.