Mỹ cần đất hiếm của Ukraine để rời xa Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp cận các mỏ khoáng sản của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự trong tương lai. Với giới phân tích, điều đó không hoàn toàn bất ngờ. Từ lâu, nền kinh tế lớn nhất thế giới và các nước phương Tây khác đã 'để mắt' đến nguồn khoáng sản phong phú của Kiev.

Phần lớn các mỏ đất hiếm Ukraine chủ yếu nằm rải rác ở các vùng trung tâm nhưng chưa được khai thác. (Nguồn: Alamy)

Phần lớn các mỏ đất hiếm Ukraine chủ yếu nằm rải rác ở các vùng trung tâm nhưng chưa được khai thác. (Nguồn: Alamy)

Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi đang tìm cách đạt thỏa thuận với Ukraine, theo đó, họ sẽ đảm bảo được viện trợ đang nhận được từ chúng tôi bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác.

Tôi muốn có sự đảm bảo về nguồn đất hiếm. Chúng tôi đang đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Ukraine có nguồn đất hiếm dồi dào và họ sẵn sàng thực hiện thỏa thuận”.

Với lời đề nghị của ông Trump, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhanh chóng "gật đầu". Ông Zelensky ngày kêu gọi các công ty Washington đầu tư vào đất hiếm Kiev, gọi đây là "mũi nhọn kinh tế quan trọng" trong "kế hoạch chiến thắng" nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Lợi ích cho cả hai

Trước đó, ông Trump từng đề xuất rằng, bất kỳ sự hỗ trợ nào trong tương lai sẽ được cung cấp dưới dạng khoản vay và sẽ có điều kiện là Kiev phải đàm phán với Moscow.

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cung cấp 65,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022.

Ông Biden lập luận rằng, viện trợ là cần thiết. Tuy nhiên, vị Tổng thống mới của nước Mỹ đã nói rõ, ông không tin rằng, đất nước tiếp tục cung cấp viện trợ mà không nhận lại được gì.

Theo trang CNN, một thỏa thuận phác thảo sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ukraine về khoáng sản đã được tiến hành trong nhiều tháng, trước khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay.

Một biên bản ghi nhớ được lập dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Biden vào năm ngoái nêu rõ, Mỹ sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào các dự án khai khoáng của Ukraine để đổi lấy việc Kiev tạo ra các ưu đãi kinh tế và thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Kiev đã có một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU), được ký kết vào năm 2021.

Adam Mycyk, đối tác tại văn phòng Kyiv của công ty luật toàn cầu Dentons nhận định, trong khi mục tiêu của thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine là đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng từ Ukraine - vẫn không thay đổi - thì cách tiếp cận của ông Trump có vẻ mang tính giao dịch nhiều hơn.

Ông Mycyk nói: "Vẫn chưa biết thỏa thuận như vậy sẽ diễn ra dưới hình thức nào, nhưng sẽ vì lợi ích tốt nhất của Ukraine trong quá trình phục hồi sau chiến dịch quân sự và triển vọng kinh tế dài hạn. Ký kết thỏa thuận với Mỹ, Ukraine có thể tối đa hóa việc chế biến và tạo ra giá trị từ nguồn khoáng sản phong phú của đất nước".

Trong khi đó, ông Nataliya Katser-Buchkovska, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư bền vững Ukraine nhận thấy, một thỏa thuận đưa đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực khai khoáng của Ukraine sẽ có lợi cho cả hai bên.

Hé lộ tài sản khủng của Ukraine

Ukraine có nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ. Đặc biệt, nước này sở hữu tài sản quý, chính là một số nguyên liệu thô quan trọng rất cần thiết cho các ngành công nghiệp như quốc phòng, thiết bị công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh.

Cụ thể, quốc gia Đông Âu sở hữu các nguyên tố đất hiếm như lanthanum và xeri, được sử dụng để chế tạo đèn chiếu sáng; neodymium, dùng trong trong turbin gió và pin xe điện hay erbi và yttri, ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và laser.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 cũng ước tính, đất hiếm ở Ukraine chiếm khoảng 5% tổng trữ lượng trên thế giới. Nước này còn có lượng đáng kể các khoáng sản khác như lithium, titanium, zirconium và giàu tài nguyên phổ biến khác như quặng đồng, sắt, dầu mỏ và khí đốt.

Theo thông tin từ Trường Kinh tế Kyiv (KSE), phần lớn các mỏ đất hiếm Ukraine nằm rải rác ở các vùng trung tâm nhưng chưa được khai thác.

Tổng cộng, trên khắp Ukraine ước tính có 305 triệu tấn tài nguyên, bao gồm 46 mỏ titan, 34 mỏ đa kim, 11 mỏ than chì và 2 mỏ lithium.

Công nhân khảo sát mỏ quặng sắt Yeristovo và Poltava ở tỉnh Poltava (Ukraine). (Nguồn: Getty)

Công nhân khảo sát mỏ quặng sắt Yeristovo và Poltava ở tỉnh Poltava (Ukraine). (Nguồn: Getty)

Mỹ muốn rời xa Trung Quốc?

Theo giới phân tích, sự quan tâm của Tổng thống Trump đến nguồn đất hiếm của Ukraine được thúc đẩy trước mối lo ngại Trung Quốc đang sở hữu số lượng lớn nguồn tài nguyên này.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu khoáng sản cần thiết, nhiều loại trong số đó đến từ Trung Quốc. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trong số 50 loại khoáng sản được phân loại là quan trọng, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu 12 loại.

Nguồn khoáng sản lớn của Ukraine mang lại sự đa dạng hóa nguồn cung cho Mỹ, giúp đất nước có thể rời xa các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc.

Nền kinh tế thứ hai thế giới từ lâu đã thống trị sản xuất khoáng sản đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác trên toàn cầu.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho gần 90% quá trình chế biến khoáng sản đất hiếm trên thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà sản xuất than chì và titan lớn nhất toàn cầu và là một nhà chế biến lithium lớn.

Cuộc chiến thương mại mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ.

Các biện pháp kinh tế mà Trung Quốc công bố mới nhất để trả đũa thuế quan mới của ông Trump bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với hơn hai chục sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan.

Mặc dù chúng không bao gồm các vật liệu quan trọng nhất mà Washington cần, nhưng động thái này cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng nguồn khoáng sản của mình làm đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại.

Ông Mycyk cho biết, trong tương lai, nhu cầu về đất hiếm và các khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng đột biến do quá trình chuyển đổi sang xe điện và phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Ông khẳng định: “Do đó, nguồn khoáng sản lớn của Ukraine mang lại sự đa dạng hóa nguồn cung cho Mỹ, giúp đất nước có thể rời xa các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc".

Dù vậy, vẫn có những điểm nghẽn cản trở Mỹ trên hành trình hợp tác với Ukraine, rời xa Trung Quốc.

The Independent cho hay, hơn một nửa tài nguyên khoáng sản của Ukraine, trị giá hơn 7,5 nghìn tỷ USD nằm trong bốn vùng lãnh thổ mà Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 và hiện quân đội Nga đang kiểm soát phần lớn những khu vực này.

Đương nhiên, Moscow không ủng hộ kế hoạch của Washington. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, ý tưởng của ông Trump thực chất là một lời đề nghị Ukraine mua viện trợ, cung cấp viện trợ trên cơ sở thương mại, chứ không phải là một sự hỗ trợ vô điều kiện hay vì một lý do gì nào khác.

Do đó, dù lợi ích đã rõ, nhưng việc tiếp cận tài sản khổng lồ của Ukraine vẫn là một thách thức lớn với Mỹ.

(theo NBC News, CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-can-dat-hiem-cua-ukraine-de-roi-xa-trung-quoc-303454.html