Ai Cập, Jordan rơi vào thế khó xử vì kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump

Trong những ngày qua, dư luận quốc tế đã bày tỏ sự phẫn nộ trước đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump: tiếp quản Gaza và di dời hơn 2 triệu người Palestine, biến vùng đất ven biển này thành 'Riviera' ở Trung Đông.

Quốc vương Abdullah II của Jordan phát biểu với Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 6/2018. Ảnh: Brendan Smialowski/Getty Images

Quốc vương Abdullah II của Jordan phát biểu với Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 6/2018. Ảnh: Brendan Smialowski/Getty Images

Không chỉ gây xáo trộn trong cộng đồng quốc tế, đề xuất của ông Trump còn làm dấy lên những lo ngại sâu sắc tại các quốc gia láng giềng như Jordan và Ai Cập, khi họ bị yêu cầu tiếp nhận một lượng lớn người Palestine từ Gaza – có thể là vĩnh viễn. Trước sức ép này, các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã phản ứng mạnh mẽ, nhanh chóng lên tiếng bác bỏ ý tưởng này.

Quốc vương Abdullah II của Jordan và Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi của Ai Cập đang trên đường đến Washington để cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi quyết định. Theo ông Neil Quilliam, chuyên gia Trung Đông tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, các nhà lãnh đạo lo sợ rằng chính sách di dời người dân của Israel có thể trở thành hiện thực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và chính trị khu vực.

Quốc vương Abdullah và Tổng thống Sisi hiểu rõ rằng họ đang ở vào thế yếu trước phong cách địa chính trị “giao dịch” của Tổng thống Trump, bởi nền kinh tế và an ninh của cả hai quốc gia này đều phụ thuộc lớn vào viện trợ và thương mại khổng lồ từ Mỹ.

Trong lịch sử, Jordan đã tiếp nhận một số lượng lớn người Palestine. Cụ thể, vào năm 1948, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh xung quanh việc thành lập Nhà nước Israel, Jordan đã tiếp nhận một lượng lớn người Palestine di tản. Tiếp đó, vào năm 1967, khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza, Jordan lại phải đối mặt với một làn sóng di cư mới. Hiện nay, một phần lớn dân số Jordan - có thể lên tới hơn một nửa - là người gốc Palestine, trong đó nhiều người vẫn mang danh tị nạn, gánh vác nỗi đau và ký ức của những cuộc di cư trong lịch sử.

Bà Katrina Sammour, nhà phân tích độc lập tại Amman, nhận định: Đó sẽ là tổn thương lặp lại cho một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, khi nỗi đau từ cuộc di cư năm 1948 (Nakba) vẫn còn đọng lại trong ký ức chung của người dân Arab.

Ông Sisi và ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz ngày 26/8/2019. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập

Ông Sisi và ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz ngày 26/8/2019. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập

Vai trò, sự hiện diện và tương lai của người Palestine ở Jordan cũng là một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm của đất nước này. Các quan chức Jordan cũng cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng từ việc di dời người Palestine khỏi Bờ Tây bị chiếm đóng, đặc biệt khi bạo lực gia tăng và các khu định cư của Israel ngày càng mở rộng. Theo giới chức, mọi nỗ lực cưỡng ép người Palestine từ Bờ Tây vào Jordan sẽ vượt lằn ranh đỏ, và sẽ là lời “tuyên chiến” đối với quốc gia láng giềng hùng mạnh về quân sự của họ.

Chuyên gia Quilliam nhấn mạnh nếu Israel thực hiện việc sát nhập Bờ Tây, điều này có thể mở ra nguy cơ bất ổn trong khu vực.

Jordan cũng phải đối mặt với sự phản đối trong nước mạnh mẽ từ các cuộc biểu tình yêu cầu hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho người Palestine. Tuy nhiên, nước này lại có mối quan hệ kinh tế và quân sự mật thiết với Mỹ, đồng thời nhận được viện trợ tài chính lớn từ Washington, khiến họ không thể dễ dàng từ chối các yêu cầu từ Tổng thống Trump. Mối quan hệ này có thể sẽ gây khó khăn cho Quốc vương Abdullah trong việc duy trì ổn định chính trị.

Một vấn đề cấp bách nữa là nền kinh tế của Jordan đã phải chịu áp lực lớn trong suốt các cuộc xung đột, khi các dịch vụ công đang bị căng thẳng đến mức không thể duy trì. Các cơ quan an ninh đang phải đối mặt với khó khăn trong việc kiểm soát các nhóm cực đoan, trong khi sự ủng hộ đối với những nhóm Hồi giáo ôn hòa lại có xu hướng gia tăng.

Bà Sammour nhận xét: “Kế hoạch này cần nhiều năm chuẩn bị. Nó có thể trở thành cơn ác mộng an ninh, và Jordan sẽ bị coi là phản bội sự nghiệp của người Palestine”.

Người tị nạn trở về nhà tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Người tị nạn trở về nhà tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Cairo, vấn đề an ninh đang là mối lo ngại lớn, đặc biệt ở khu vực nhạy cảm của sa mạc Sinai, nơi có ý kiến cho rằng các trại tị nạn rộng lớn có thể được xây dựng. Ai Cập đã từ chối tiếp nhận người Palestine từ Gaza trong suốt 16 tháng chiến tranh vì lo ngại về một làn sóng di cư ồ ạt có thể tạo ra bất ổn vĩnh viễn.

Theo chuyên gia Brahimi, trong số những người di cư, luôn có những tay súng, dù là Hamas hay các nhóm khác muốn bảo vệ quyền lợi của người Palestine. Ông cho rằng: “Nếu họ hoạt động trên đất Ai Cập, điều này có thể đe dọa và làm suy yếu hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, đồng thời thúc đẩy các nhóm chiến binh địa phương chống lại chính quyền Ai Cập”.

Ai Cập cũng đang gặp khó khăn về kinh tế, dù nhận được viện trợ lớn từ Mỹ và các quốc gia khác. Chuyên gia Quilliam nhận định Ai Cập là một quốc gia rộng lớn nhưng nền kinh tế của họ đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng. Các quan chức lo ngại rằng sự bất ổn này có thể dẫn đến một phong trào biểu tình quần chúng tương tự năm 2011.

Chuyên gia Brahimi cho hay: “Giống như Quốc vương Abdullah của Jordan, các nhà lãnh đạo Ai Cập cũng đang đứng trước nguy cơ đối mặt thảm họa chính trị nghiêm trọng. Thực tế, ông Trump đang đẩy các nhà lãnh đạo ở Amman và Cairo đến gần hơn với những cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ”.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump dường như không thay đổi quan điểm của mình. Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông khẳng định rằng Quốc vương Abdullah và Tổng thống Sisi sẽ đồng ý với kế hoạch của ông và “mở lòng trao cho chúng tôi mảnh đất cần thiết để thực hiện điều này, nơi mọi người có thể sống trong hòa bình và hòa thuận”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ai-cap-jordan-roi-vao-the-kho-xu-vi-ke-hoach-gaza-cua-tong-thong-trump-20250207112739833.htm