Mỹ cảnh báo 'lằn ranh đỏ' khi Israel phê duyệt kế hoạch tấn công Rafah
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 15/3 đã phê duyệt kế hoạch tấn công thành phố Rafah, miền Nam Gaza. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, kế hoạch này sẽ là một 'lằn ranh đỏ' nếu được thực hiện mà không có đủ biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường.
Rafah là nơi nương náu của hơn 1,4 triệu người Palestine, trong đó phần lớn là những người chạy trốn xung đột ở phía Bắc Gaza.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm qua đã cảnh báo hậu quả của một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah sẽ là “thảm họa” đối với người dân Gaza.
“Tôi nghĩ hậu quả của một chiến dịch trên bộ ở Rafah trong hoàn cảnh hiện tại sẽ là thảm họa đối với người dân Gaza, cũng như đối với người Palestine. Đây sẽ là một thảm họa về nhân đạo. Chúng tôi rất hy vọng rằng tất cả những điều này có thể tránh được. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng các bên sẽ tìm ra cách để ngừng bắn và đảm bảo khả năng tiếp cận nhân đạo lớn hơn, đảm bảo giải phóng tất cả con tin và mở ra một con đường để tiến lên cho cả người Israel và người Palestine”, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, việc tấn công Rafah sẽ là “một lằn ranh đỏ” nếu được thực hiện mà không có đủ biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ ràng rằng với số lượng lớn dân thường ở Rafah, khoảng 1,4 triệu người, trong đó nhiều người đã phải di dời khỏi các khu vực khác của Gaza, chúng ta phải thấy một kế hoạch rõ ràng và khả thi. Đó không chỉ là để đưa dân thường thoát khỏi nguy hiểm, mà còn đảm bảo rằng một khi thoát khỏi nguy hiểm, họ phải được chăm sóc thích hợp từ nơi ở, thức ăn, thuốc men đến quần áo. Và chúng tôi chưa thấy một kế hoạch như vậy”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, Israel đang tìm cách gây áp lực đàm phán lên Hamas trong bối cảnh các cuộc thảo luận tại Qatar và Ai Cập đang lâm vào bế tắc.
Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã mô tả đề xuất mới nhất của Hamas là phi thực tế, song cho biết một phái đoàn Israel sẽ đến Qatar để thảo luận về lập trường của Israel đối với một thỏa thuận tiền năng.
Trong một diễn biến liên quan, chuyến hàng viện trợ đầu tiên qua hành lang hàng hải mới từ Cộng hòa Síp hôm qua đã bắt đầu tháo dỡ hàng thực phẩm tại một cầu cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza. Trong bối cảnh, việc tiếp cận nhân đạo vào Gaza qua Jordan, Israel và Ai Cập đều bị hạn chế, quốc tế đang nỗ lực đa dạng hóa các tuyến cung cấp viện trợ.
Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo, việc thả hàng viện trợ từ trên không và vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường biển không thay thế được việc vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường bộ.
Theo Cơ quan y tế Gaza, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng sau hơn 5 tháng xung đột và bị phong tỏa đã khiến 27 người tử vong vì suy dinh dưỡng và mất nước, hầu hết là trẻ em.