Mỹ cấp tập điều chiến hạm tới vùng Vịnh
Căng thẳng đang gia tăng tại Vịnh Ba Tư, nơi Mỹ triển khai thêm lực lượng không quân và hải quân nhằm 'dằn mặt' Iran. Động thái này đã dẫn đến mối lo ngại về nguy cơ xung đột bùng phát giữa Mỹ và Iran, khiến nhiều người liên tưởng đến một trận hải chiến diễn ra cách đây 35 năm.
Nguy cơ đụng độ giữa Iran và Mỹ
Vào tháng 4/2023, Mỹ đã tịch thu một tàu chở dầu của Iran hướng đến Trung Quốc. Vài ngày sau đó Iran cũng bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ quần đảo Marshall. Vụ bắt giữ xảy ra sau khi tàu Iran va chạm với tàu chở dầu nói trên, khiến 2 thủy thủ người Iran mất tích và nhiều người bị thương tại khu vực Vịnh Ba Tư. Đến tháng 7, Washington cho biết đã ngăn chặn Tehran bắt giữ hai tàu chở dầu khác.
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã triển khai 3.000 lính thủy đánh bộ và thủy thủ, máy bay chiến đấu F-35, F-16 cùng với các tàu chiến tới vùng Vịnh. Chính quyền Biden thậm chí đang xem xét đưa thủy quân lục chiến lên các tàu thương mại để ngăn chặn các vụ bắt giữ của Iran.
Hồi đầu tháng 8, lực lượng hải quân Iran đã trình làng các tàu hải quân mới, trang bị tên lửa, có tầm bắn khoảng 570km trong cuộc tập trận gần một hòn đảo do nước này kiểm soát ở vùng Vịnh – điều mà nhiều nhà phân tích cho là động thái nhằm phô diễn sức mạnh quân sự.
Căng thẳng leo thang cùng việc tăng cường sự hiện diện quân sự của các bên đã khiến nhiều người liên tưởng đến Chiến dịch Earnest Will. Ở thời điểm đó, Mỹ triển khai các tàu chiến tời vùng vịnh từ năm 1987 đến 1988 để hộ tống các tàu chở dầu Kuwwait khỏi cuộc tấn công của Iran.
Bên cạnh Earnest Will, Mỹ cũng bí mật mở chiến dịch Prime Chance nhằm đưa trực thăng lực lượng đặc nhiệm lên tàu khu trục và sử dụng hai sà lan làm căn cứ trên biển để ngăn chặn hoạt động rải thủy lôi của Iran. Đến ngày 24/7/1987, tàu SS Bridgeton – tàu chở dầu đầu tiên được hộ tống trong chiến dịch Earnest Will đã va phải một thủy lôi của Iran. Tiếp sau đó, đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ và đối đầu giữa Iran với Mỹ.
Tiếp đến ngày 13/4/1988, tàu chiến Mỹ USS Samuel B. Roberts va phải mìn gây ra vụ cháy nổ lớn. Bốn ngày sau, hải quân Mỹ mở chiến dịch Praying Mantis trả đũa. Đây là chiến dịch lớn nhất trong năm chiến dịch trên biển của hải quân Mỹ từ Thế chiến 2, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đấu tên lửa diệt hạm với Iran và đánh chìm tàu chiến lớn nhất của đối phương.
Theo giới phân tích, một cuộc đụng độ hải quân giữa Mỹ và Iran, nếu xảy ra ở thời điểm hiện nay, có thể tạo ra kết quả khác biệt. Bởi xét cho cùng, Iran đã có những thay đổi đáng kể về lực lượng và chiến thuật hải quân trong suốt 35 năm qua, trong đó phải kể đến các hình thức tác chiến bất đối xứng, chuyên gia Bryan Clark – thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson của Mỹ lưu ý.
Sức mạnh của hải quân Iran
Hải quân Iran hiện nay đã được mở rộng về quy mô, bao gồm hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) và lực lượng hải quân thông thường, ông Bryan Clark cho biết.
“IRGCN hoạt động chủ yếu ở Vịnh Ba Tư, sử dụng hầu hết các tàu nhỏ, có tốc độ nhanh khiến đối phương rất khó đối phó. Những chiếc tàu này thường mang tên lửa chống hạm và hoạt động như máy bay không người lái tấn công. Trong khi đó, lực lượng hải quân thông thường của Iran chủ yếu sở hữu các tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống, hoạt động bên ngoài vùng Vịnh”.
Farzin Nadimi, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, đồng thời là cộng tác viên của Viện Washington về Chính sách Cận Đông cũng cho rằng có nhiều sự khác biệt giữa khả năng và nhiệm vụ của IRCGN với lực lượng hải quân thông thương.
“IRGCN đã thay đổi đáng kể so với 35 năm trước, hiện giờ đã trở thành một lực lượng hùng hậu, được bố trí dọc theo bờ biển. Họ có nhiều tàu cao tốc chất lượng cao, được trang bị tên lửa chống hạm từ tầm ngắn đến tầm xa hoặc ngư lôi”, ông Farzin Nadimi nhấn mạnh.
IRGCN cũng có nhiều loại máy bay không người lái, thiết bị nổ tự chế dưới nước, tên lửa và hệ thống pháo hiện đại, có mạng lưới tình báo hiệu quả hơn. Chưa kể, hệ thống phòng không của Iran cũng hiệu quả hơn nhiều so với giai đoạn cuối những năm 1980.
Iran đã phát triển năng lực đóng tàu nội địa và đưa vào biên chế một số tàu khu trục cùng với tàu hộ vệ tên lửa do nước này tự chế tạo. Ngoài ra, các tàu hải quân Iran cũng được cải thiện đáng kể khả năng chống hạm và tác chiến điện tử.
Tóm lại, lực lượng hải quân Iran đã gia tăng số lượng, chất lượng, cải tiến thông tin liên lạc, mở rộng hơn về quy mô cũng như năng lực đào tạo. Nếu như năm 1987, Iran chỉ có hai địa điểm phóng tên lửa chống hạm Silkworm gần eo biển Hormuz thì ngày nay, nước này có hàng trăm bệ phóng tên lửa chất lượng cao đặt ở vùng Vịnh. Theo chuyên gia Nadimi, vẫn chưa rõ liệu Iran có sử dụng các tên lửa tiên tiến, kho dự trữ thủy lôi lớn hoặc các phương tiện khác để tấn công tàu thuyền Mỹ trong trường hợp xung độ nổ ra hay không.
Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Earnest Will, Mỹ không triển khai binh sỹ trên các tàu chở dầu mà nước này hộ tống. Chưa rõ xung đột có nguy cơ bùng phát một lần nữa nếu chính quyền Biden quyết định đưa đưa thủy quân lục chiến lên các tàu thương mại hay không. Nhưng nhà phân tích Nadimi cho rằng, kịch bản này rất khó xảy ra: “Tôi cho rằng không có nguy cơ cao xảy ra xung đột giữa Iran và Mỹ, ngay cả khi Washington triển khai lực lượng thủy quân lục chiến có vũ trang trên các tàu buôn và tàu chở dầu. Nhưng điều này có thể làm gia tăng rủi ro và gây leo thang căng thẳng. Nhìn chung, tình hình ở vùng Vịnh không nguy hiểm và bất ổn như năm 1987”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-cap-tap-dieu-chien-ham-toi-vung-vinh-post1039439.vov