Mỹ chờ đề xuất mới của các nước Arab về Gaza

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 13/2 cho biết Mỹ rất mong muốn được nghe những đề xuất mới của các quốc gia Arab về Gaza, sau kế hoạch gây sốc của Tổng thống Donald Trump về di dời toàn bộ người dân của vùng lãnh thổ này.

Người tị nạn Palestine trở về nhà ở miền Bắc Dải Gaza ngày 9/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Người tị nạn Palestine trở về nhà ở miền Bắc Dải Gaza ngày 9/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Rubio, người sẽ lên đường thăm Trung Đông vào cuối ngày 13/2, cho biết ông hy vọng sẽ thảo luận về các ý tưởng trong các điểm dừng chân của mình tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng như Israel, sau các cuộc hội đàm tại Washington với Ai Cập và Jordan.

Trao đổi trong chương trình phát thanh của những người dẫn chương trình bảo thủ Clay Travis và Buck Sexton, ông Rubio nói: "Hy vọng họ sẽ có một kế hoạch thực sự tốt để trình lên Tổng thống (Trump)... Ngay bây giờ, kế hoạch duy nhất - họ không thích nó - là kế hoạch của Tổng thống Trump. Vì vậy, nếu họ có một kế hoạch tốt hơn, bây giờ là lúc để trình bày nó".

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit ngày 13/2 tái khẳng định rằng tổ chức này kiên quyết phản đối mọi nỗ lực nhằm di dời người Palestine khỏi đất đai của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng “Dải Gaza không phải để bán”.

Phát biểu trong phiên họp của Hội đồng kinh tế và xã hội AL tại Cairo, được phát sóng trên truyền hình nhà nước Ai Cập, ông Aboul-Gheit “tái khẳng định AL kiên quyết phản đối mọi nỗ lực di dời người Palestine khỏi đất đai của mình vì bất kỳ lý do nào”.

Ông nhấn mạnh rằng Dải Gaza là một phần của Nhà nước Palestine trong tương lai, sẽ được thành lập theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem, phù hợp với giải pháp hai nhà nước.

Tổng thư ký AL nêu rõ rằng vấn đề Palestine là “mối quan tâm chính của cả người dân và các chính phủ Arab”, đồng thời nói thêm rằng những nỗ lực nhằm di dời người Palestine này là sự bất công trắng trợn đối với quyền của họ. Ông Aboul-Gheit cũng phản đối sự leo thang quân sự gần đây của Israel ở Bờ Tây.

Những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đề xuất tiếp quản Dải Gaza và di dời người dân Palestine đến các nước láng giềng bao gồm Jordan và Ai Cập.

Ai Cập dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của AL vào ngày 27/2 để giải quyết những diễn biến mới nhất của vấn đề Palestine.

Liên quan đến tình hình Dải Gaza, Thống đốc tỉnh Bắc Sinai Khaled Megawer ngày 13/2 cho biết Ai Cập đã tiếp nhận và điều trị cho 12.000 người Gaza bị thương và bị bệnh, bao gồm 2.500 trẻ em, kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 19/1.

Phát biểu với giới truyền thông, ông Megawer khẳng định rằng những người Gaza đau yếu vào Ai Cập qua cửa khẩu Rafah, dưới sự phối hợp với Chính quyền Palestine và Liên minh châu Âu (EU).

Theo quan chức tỉnh Bắc Sinai, những bệnh nhân này được chẩn đoán ban đầu tại một điểm phân loại được thiết lập tại cửa khẩu Rafah, để xác định xem họ sẽ được điều trị tại tỉnh Bắc Sinai hay được chuyển đến thủ đô Cairo để chăm sóc tốt hơn về y tế. Ông Megawer giải thích rằng việc phân loại này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, trong đó phụ nữ và trẻ em được ưu tiên.

Thống đốc tỉnh Bắc Sinai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục điều trị tâm lý cho trẻ em Palestine bị chấn thương liên quan đến chiến tranh. Ông cho biết nhiều trẻ em Palestine đã bị mất gia đình, bị thương và phải chứng kiến tình cảnh bạo lực.

Theo ông Megawer, viện trợ nhân đạo đã được vận chuyển vào Dải Gaza kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực thông qua cửa khẩu Rafah và Ai Cập có thể cung cấp nhiều xe tải nhân đạo - có khả năng lên tới 1.000 xe mỗi ngày - và hoạt động suốt ngày đêm với 1.500 tình nguyện viên.

Theo thỏa thuận ngừng bắn, 600 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo có thể vào dải Gaza mỗi ngày trong giai đoạn đầu tiên kéo dài 42 ngày. Trong giai đoạn thứ ba, Megawer tiết lộ rằng cửa khẩu Rafah sẽ được mở cửa cho cá nhân và hàng hóa qua lại mà không gặp phải hạn chế.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, Ai Cập đã tiếp nhận hàng nghìn người Palestine bị thương và bị bệnh trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza đã bị sụp đổ do các hoạt động quân sự.

Thanh Bình - Nguyễn Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-cho-de-xuat-moi-cua-cac-nuoc-arab-ve-gaza-20250214063405642.htm