Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO):Đứng trước giai đoạn bước ngoặt quan trọng
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đứng trước giai đoạn quan trọng với nhiều ngã rẽ phía trước, tiềm ẩn những tác động lớn đối với đường lối hoạt động của liên minh quân sự lâu đời này.

Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Vigorous Warrior.
Hội nghị An ninh Munich 2025 mới đây đã tác động mạnh tới NATO. Nhiều quan điểm nêu ra cho thấy một kịch bản “hoàng hôn” mà tổ chức này phải đối mặt.
Truyền thông quốc tế dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan điểm bi quan về việc NATO đang chứng kiến liên minh giữa một Tổng thống Nga và một Tổng thống Mỹ - người muốn bỏ qua châu Âu. “Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã kết thúc", nhà ngoại giao này nhấn mạnh.
Phát biểu bi quan trên được nêu ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với thông báo về kế hoạch rút 20.000 quân Mỹ khỏi châu Âu.
Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cân nhắc việc rút Mỹ khỏi NATO hai lần trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống. Nhà lãnh đạo này bảo lưu quan điểm liên minh quân sự đã lỗi thời và không thấy có mối đe dọa nào biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Lục địa già.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth cũng từng gây chấn động khi tuyên bố sẽ tìm cách dừng mô hình Mỹ bảo đảm an ninh cho châu Âu. Kịch bản vắng mặt của Mỹ bên cạnh việc thu hẹp nguồn tài trợ cho NATO, còn đồng nghĩa Điều 5 của Hiến chương NATO - điều khoản cam kết phòng thủ tập thể của liên minh sẽ suy yếu nghiêm trọng.
Trong con mắt của giới quan sát, những ý kiến không mấy lạc quan báo hiệu về một kỷ nguyên mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, với vai trò của NATO ngày càng mờ nhạt. Tuy nhiên, củng cố lại liên minh quân sự là thách thức lớn trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.
Một trong những bước cải tổ đầu tiên được đề cập là NATO phải giải được bài toán tài chính để làm cơ sở cho những bước đi khác. Chi tiêu quân sự của NATO tăng cũng đồng nghĩa Mỹ bán được nhiều vũ khí hơn, là một cách làm hài lòng chủ nhân mới của Nhà Trắng, cho phép giữ chân Washington trong khối.
Thực tế, từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, NATO đã tăng cường xây dựng lực lượng phòng thủ. Chi tiêu quân sự các nước châu Âu trong NATO năm 2024 tăng gần 20% so với năm trước, đặc biệt là Đức. Năm tài chính 2024, Đức chi ngân sách quốc phòng 73,41 tỷ USD, lập kỷ lục và lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn NATO (2% GDP).
Một tín hiệu tích cực khác về vấn đề tài chính là Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 6-2025 dự kiến thông qua đề xuất tăng tỷ lệ chi tiêu quân sự mỗi quốc gia từ 2% lên 3% GDP vào năm 2030. Dù mức này cao so với mặt bằng chung, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể con số 5% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kêu gọi. Trong khi đó, việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng gây áp lực lớn đối với ngân sách.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhìn chung yếu kém ở châu Âu, việc tăng chi tiêu quốc phòng đòi hỏi cắt giảm các khoản chi tiêu dân sinh, dễ gây ra phản đối, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan và thậm chí là bất ổn chính trị.
Chính phủ Pháp và Đức vừa qua đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội do áp lực tài chính quá lớn. Nếu tiêu chuẩn chi tiêu quân sự tiếp tục nâng lên, điều tương tự có thể xảy ra ở các quốc gia thành viên khác, mang lại gánh nặng và sự khủng hoảng tâm lý.
Bên cạnh vấn đề tài chính, NATO cũng phải tìm cách cải tổ hoạt động thực địa. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh đa số thành viên NATO rất hạn chế về năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chẳng hạn như thiếu vệ tinh bao phủ lãnh thổ của đối phương hay máy bay tầm xa vận chuyển thiết bị quân sự và binh lính số lượng lớn.
Do các thành viên phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ - vốn là trụ cột về năng lực chiến lược như tiếp nhiên liệu trên không, tình báo chiến thuật, chỉ huy và kiểm soát chiến trường. Các nước châu Âu trong NATO thậm chí chỉ dự trữ đạn dược một cách hạn chế, đợi chờ Mỹ cung cấp.
Nhìn chung, khi cả châu Âu và Mỹ đều vật lộn với việc cân bằng an ninh và thịnh vượng, NATO - tổ chức được thành lập để giải quyết chính những thách thức này - đối mặt với các vấn đề chưa từng có trong lịch sử 75 năm tồn tại.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vàng để liên minh cải tổ một cách toàn diện, từng bước khẳng định chỗ đứng trong hệ thống quốc tế đang chuyển mình, đa cực hóa ngày càng nhanh, từ đó có những đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình và ổn định trên thế giới.