Mỹ có thực sự cần chi 131 tỷ USD cho vũ khí hạt nhân mới?
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ tiếp tục được tăng cường với bằng chứng là Chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) LGM-35A Sentinel có thể bổ sung 634 quả tên lửa trong thời gian tới. Điều này liệu có thực sự cần thiết trong khi kho vũ khí hạt nhân hiện có của Mỹ đã quá đủ để bảo đảm an ninh cho đất nước?
Đội vốn gấp đôi
Theo trang mạng slate.fr, ngày 18-1 vừa qua, Không quân Mỹ thông báo, chi phí sản xuất một quả tên lửa ICBM có đầu đạn hạt nhân LGM-35A đột ngột tăng 37%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách cho chương trình Sentinel vọt tăng lên mức 131 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức dự kiến mà không quân đề xuất vào năm 2015.
Theo dự toán ngân sách mới nhất, Không quân Mỹ sẽ phát triển kho vũ khí bằng việc bổ sung 634 tên lửa ICBM LGM-35A, trong đó 450 tên lửa sẽ được cất giữ trong hầm chứa, số còn lại sẽ được sử dụng trong việc thử nghiệm và thay thế. Dự toán ngân sách mới chưa bao gồm chi phí bảo trì tên lửa trong 20 năm tới, dự kiến sẽ đẩy tổng kinh phí lên hơn 200 tỷ USD, cũng như chưa tính tới khoản đầu tư 15,9 tỷ USD mua sắm đầu đạn hạt nhân mới W87-1.
Vấn đề đặt ra là: Những tên lửa ICBM mới được phát triển nhằm thay thế tên lửa LGM-30G Minuteman III đã cũ liệu có thực sự cần thiết? ICBM LGM-30G Minuteman III được sản xuất từ năm 1962 và đã được đưa vào sử dụng từ năm 1970. Đây là loại ICBM lâu đời nhất trên thế giới với lịch sử hoạt động hơn 50 năm. LGM-30G Minuteman III đã được cải tiến nhiều lần và có thể một ngày nào đó sẽ phải bị loại bỏ khỏi kho vũ khí.
Tuy nhiên, việc đội chi phí của chương trình Sentinel có thể khiến chương trình này vượt quá giới hạn của đạo luật Nunn-McCurdy - đạo luật được đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Sam Nunn và Hạ nghị sĩ David McCurdy năm 1983, theo đó yêu cầu Lầu Năm Góc phải thông báo cho Quốc hội khi việc mua sắm vũ khí vượt quá chi phí cơ bản theo kế hoạch 15%. Khi việc mua sắm vũ khí vượt quá 25% và chạm ngưỡng tối đa 50% chi phí ban đầu, điều này được cho là vi phạm “nghiêm trọng” đạo luật Nunn-McCurdy và buộc phải hủy bỏ, trừ khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận rằng chương trình này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Trong tuyên bố tối 18-1-2024, Lầu Năm Góc thông báo với Quốc hội Mỹ rằng chương trình Sentinel đã đạt đến “điểm quan trọng” này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ sớm đưa ra quyết định liệu ICBM LGM-35A có cần thiết để bảo vệ an ninh nước Mỹ hay không. Trong trường hợp phải kích hoạt đạo luật Nunn-McCurdy, chương trình Sentinel của Lầu Năm góc sẽ đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ. Ở chiều ngược lại, chương trình Sentinel sẽ hỗ trợ Lầu Năm Góc củng cố kế hoạch thay thế kho vũ khí của “bộ ba hạt nhân” (gồm: Bom hạt nhân trên máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hạt nhân trên tàu ngầm và tên lửa đạn đạo trên đất liền).
Cuộc mặc cả để hiện đại hóa “bộ ba hạt nhân”
Cũng theo trang mạng slate.fr, sáng kiến thay thế kho vũ khí của “bộ ba hạt nhân” bắt đầu bằng một cuộc mặc cả. Năm 2010, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã cố gắng thuyết phục Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (New START) mà ông đã đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ra điều kiện chỉ phê chuẩn hiệp ước nếu như ông Obama chấp thuận chi hàng trăm tỷ USD cho ICBM mới, máy bay ném bom, tàu ngầm và đầu đạn hạt nhân.
Ông Obama đã viết một lá thư với cách diễn đạt có chọn lọc, trong đó nhấn mạnh sẽ tài trợ để “thay thế hoặc hiện đại hóa” “bộ ba hạt nhân”. Từ khóa ở đây là “hoặc hiện đại hóa”, có nghĩa là chỉ cập nhật phần mềm hoặc hệ thống liên lạc của một số loại vũ khí nhất định. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa coi khái niệm “hiện đại hóa” là từ đồng nghĩa với “thay thế” và cho rằng ông Obama đồng ý chi 1.300 tỷ USD trong 30 năm cho mục đích này.
Năm 2017, khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó, tướng về hưu James Mattis, đã cân nhắc nghiêm túc việc dỡ bỏ ICBM. Nhưng tại thời điểm đó, Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy chương trình Sentinel thay thế kho vũ khí của “bộ ba hạt nhân”...
Trong bối cảnh công nghệ chế tạo ICBM của Mỹ hiện nay đuối hơn so với Nga và Trung Quốc, hơn nữa kinh phí đội vốn gấp đôi đang khiến chương trình Sentinel của Không quân Mỹ đứng trước khó khăn lớn. “Trong trường hợp xấu nhất, lựa chọn khả thi nhất là loại bỏ hoàn toàn khả năng răn đe ICBM chiến lược trên đất liền để chuyển sang lực lượng ICBM trên tàu ngầm”, trang slate.fr nhận định.
LINH OANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.