Mỹ công bố báo cáo: Hợp tác quân sự Trung - Nga đang ở đỉnh cao
Báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, Quốc hội Mỹ đánh giá: Hợp tác quốc phòng Nga - Trung đang ở thời kỳ đỉnh cao khi Nga bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí trang bị tiên tiến, tổ chức tập trận chung có mức độ phức tạp cao, cùng đối phó Mỹ và đồng minh.
Ngày 20/3, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo "Quan hệ quân sự Trung - Nga: Hợp tác lên cấp cao hơn" do nhà phân tích an ninh và ngoại giao Ethan Meick xây dựng. Báo cáo khẳng định, Trung Quốc và Nga đang ở "thời kỳ đỉnh cao của hợp tác (quân sự) song phương".
Báo cáo cho biết, từ khi quan hệ giữa Trung Quốc và Nga bình thường hóa vào năm 1989 đến nay, cơ quan quân sự và quốc phòng hai nước đã đặt quan hệ quốc phòng và an ninh lên vị trí ưu tiên, "luôn thúc đẩy vững chắc việc thu hẹp tối đa bất đồng ý kiến và thúc đẩy hai bên khắc phục những bất đồng này".
Báo cáo cho biết, quan hệ quốc phòng và an ninh đã là "một trong những bộ phận quan trọng nhất của quan hệ tổng thể (Trung - Nga). Báo cáo chỉ ra, trong quan hệ Trung - Nga có 3 yếu tố cốt lõi lớn: diễn tập quân sự, hợp tác kỹ thuật quân sự và giao lưu quân sự cấp cao.
Ngoài ra, báo cáo đã nhấn mạnh những ảnh hưởng từ các tiến triển mới nhất của hợp tác quốc phòng Trung - Nga đến an ninh quốc gia của Mỹ và tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, báo cáo cho rằng 24 máy bay chiến đấu Su-35 Nga bán cho Trung Quốc (bắt đầu bàn giao vào tháng 12/2016) "sẽ có lợi cho quân đội Trung Quốc ứng phó với ưu thế trên không của Mỹ, sẽ cung cấp công nghệ có lợi cho Trung Quốc thúc đẩy nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến của họ.
Đồng thời, trước khi máy bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc đi vào hoạt động, những máy bay chiến đấu Su-35 này còn có thể trở thành phương tiện quý báu để tiến hành huấn luyện và học tập.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 Nga bán cho Trung Quốc sẽ có lợi cho nâng cao khả năng phòng không của Trung Quốc. Nếu chúng được triển khai ở khu vực chiến trường phía đông (lân cận eo biển Đài Loan) thì sẽ có lợi cho gia tăng ưu thế trên không của quân đội Trung Quốc.
Báo cáo viết: "Khi hai bờ eo biển Đài Loan nổ ra xung đột, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 sẽ tạo ra mối đe dọa cho lực lượng đường không Đài Loan”.
“Nếu Mỹ quyết định tham gia cuộc xung đột tiềm tàng của khu vực này, khi Biển Đông hoặc biển Hoa Đông xuất hiện tình trạng khẩn cấp thì hệ thống này sẽ còn tạo ra mối đe dọa cho máy bay quân đội Mỹ và lực lượng đường không của các đồng minh, đối tác".
Ngoài ra, báo cáo còn cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 còn có thể dùng để tăng cường tính hiệu quả của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc lập ra ở biển Hoa Đông.
Theo báo cáo, một chỉ tiêu khác có thể phản ánh hợp tác quốc phòng Trung - Nga được gia tăng là mức độ phức tạp của các cuộc tập trận chung giữa quân đội Trung Quốc và các lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên, nội dung cốt lõi được cải thiện, điều này "đã cung cấp kinh nghiệm quý giá cho hai bên trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu quốc phòng".
Báo cáo viết: "Đối với quân đội Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm tác chiến mới nhất, tác dụng của những cuộc tập trận này rất rõ ràng, bởi vì các cuộc tập trận có thể cung cấp tri thức và cơ hội cần gấp và có lợi cho Trung Quốc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân sự".
Báo cáo cho rằng việc mở rộng phạm vi địa lý tập trận chung của Trung Quốc và Nga gần đây và lấy phòng thủ tên lửa làm nội dung trọng tâm mới đã phản ánh "lợi ích an ninh ngày càng thống nhất của hai nước, đồng thời cho thấy hai nước đang phát đi tín hiệu hỗ trợ cho các vấn đề ưu tiên của hai bên về phương diện an ninh".
Báo cáo cũng đã thảo luận về quá trình phát triển gần đây của quan hệ quốc phòng Trung - Nga. Theo báo cáo, việc xác lập "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược" năm 1996 đã đặt nền tảng cho hợp tác ở cấp độ cao này.
Ethan Meick, tác giả báo cáo cho rằng: "Trong 10 năm sau khi xác lập quan hệ đối tác chiến lược, hai bên từng bước hóa giải những mâu thuẫn trong quan hệ quốc phòng. Trung Quốc từng bước gia tăng vững chắc việc nhập khẩu vũ khí của Nga, cuối cùng trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chủ yếu của vũ khí Nga".