Mỹ đang 'nản lòng' với dự án tiêm kích thế hệ thứ 6

Là một trong những ưu tiên hàng đầu của không quân Mỹ, song kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hiện đứng trước nguy cơ 'trở về con số 0 tròn trĩnh'.

Nhiều năm nay, Lầu Năm Góc tích cực xúc tiến dự án Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất một dòng tiêm kích tương lai để kết hợp cùng máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thay thế phi đội tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của không quân Mỹ. Giới chức quân sự xứ cờ hoa coi dự án NGAD là trung tâm trong “lớp vũ khí mới” của nước này, do được kỳ vọng sẽ sở hữu nhiều công nghệ vượt trội, khả năng tùy biến mạnh mẽ, các loại vũ khí sử dụng nhiều nguyên tắc vật lý mới, cùng chức năng hỗ trợ chiến đấu tiên tiến để sống sót và hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường tác chiến phức tạp. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Mỹ còn dự kiến công bố nhà thầu trong năm nay.

 Hình ảnh đồ họa về tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Hình ảnh đồ họa về tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Vậy nhưng, những tuyên bố gần đây của lãnh đạo Không quân Mỹ cho thấy dự án NGAD không được như mong đợi, thậm chí còn có thể bị hủy bỏ. Theo Defense One, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall gần đây nhận định rằng những hạn chế về ngân sách đang buộc lực lượng này phải xem xét lại dự án NGAD. Trong khi đó, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin cũng cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra về tương lai của tiêm kích thế hệ thứ 6. “Các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành. Chúng tôi đang phải xem xét rất nhiều lựa chọn khó khăn”, Defense One dẫn lời ông Allvin nêu rõ.

Lý giải về sự chần chừ của Mỹ trong việc triển khai dự án NGAD, Business Insider chỉ ra hai nguyên nhân chính là lo ngại về hạn chế công nghệ và kinh tế. Đầu tiên, tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ được thiết kế để hoạt động từ 50 năm trở lên, tương tự những mẫu máy bay tiên tiến nhất hiện nay như F-35. Nếu vậy, không quân Mỹ sẽ không thể duy trì ưu thế của mình nếu chỉ sử dụng một mẫu tiêm kích, mà không cải tiến và tích hợp thêm các công nghệ mới. Điều này cũng khiến không quân Mỹ đứng trước rủi ro không kịp thích ứng để đối phó với các mối đe dọa mới sẽ xuất hiện trong tương lai. Thứ hai, bên cạnh chi phí khổng lồ để phát triển, không quân Mỹ còn phải dành ngân sách rất lớn để duy trì máy bay hết vòng đời. Thí dụ, chương trình F-35 ước tính sẽ tiêu tốn của Lầu Năm Góc hơn 2.000 tỷ USD khi máy bay hết vòng đời, trong đó hoạt động bảo dưỡng và duy tu chiếm tới 80%.

Trước thực trạng này, Business Insider cho biết một số quan chức quân đội Mỹ đề xuất nước này có thể từ bỏ dự án NGAD và cân nhắc áp dụng trở lại mô hình Digital Century Series (tạm dịch: Chuỗi kỷ nguyên số) từng được đề cập từ năm 2019. Theo cách tiếp cận này, Mỹ sẽ phát triển các phần mềm có tính linh hoạt cao, áp dụng hoàn toàn công nghệ kỹ thuật số vào quá trình thiết kế máy bay, chế tạo các tiêm kích nhỏ hơn với tuổi thọ ngắn hơn. Từ đó, cho phép không quân Mỹ nhanh chóng phát triển, triển khai những tiêm kích mới thường xuyên hơn, đủ để giới hạn tuổi thọ mỗi mẫu ở mức khoảng 20 năm; đồng thời không phải chi quá nhiều tiền cho công tác duy tu, bảo dưỡng máy bay, vốn tỷ lệ thuận với tuổi thọ của chúng. Việc ra mắt nhiều dòng tiêm kích trong thời gian ngắn hơn còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới hoặc nhỏ hơn của Mỹ cạnh tranh trong lĩnh vực này, thay vì chỉ có 3 đơn vị “truyền thống” bấy lâu nay là Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman. “Khẩu hiệu “chế tạo để dùng lâu dài” được hưởng ứng xuyên suốt thế kỷ 20, nhưng không chắc còn thích hợp vào thời điểm này”, Business Insider nhấn mạnh.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-dang-nan-long-voi-du-an-tiem-kich-the-he-thu-6-782585