Mỹ đăng tải dữ liệu nước thải để hỗ trợ điều tra nguồn lây nhiễm cúm gia cầm
CDC đã tiến hành thu thập dữ liệu về cúm A trong mẫu nước thải tại khoảng 600 địa điểm, ít nhất kể từ mùa Thu năm ngoái, để theo dõi diễn biến căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự kiến ngày 10/5 có thể đăng tải trên một bảng tin công cộng các dữ liệu về cúm A được phát hiện trong nước thải, qua đó cung cấp các manh mối về dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trong các đàn gia súc.
Trưởng nhóm xử lý nước thải CDC Amy Kirby cho biết cơ quan này đã phát hiện dấu vết cúm A, trong đó có chủng cúm H5N1, gia tăng mạnh tại một số địa điểm và đang điều tra nguồn virus.
Theo bà Kirby, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy người nhiễm virus H5N1.
CDC đã tiến hành thu thập dữ liệu về cúm A trong mẫu nước thải tại khoảng 600 địa điểm, ít nhất kể từ mùa Thu năm ngoái, để theo dõi diễn biến căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này.
Những dữ liệu này hiện nay có thể giúp ích cho việc theo dõi đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 ảnh hưởng đến 42 đàn bò sữa tại 9 bang ở Mỹ, trong khi 1 công nhân của trang trại bò sữa cũng nhiễm bệnh.
Giới khoa học đang theo dõi sát sao sự biến đổi của H5N1 có thể khiến chủng virus cúm này có thể dễ lây sang người. Xét nghiệm nước thải có thể phát hiện nhiều chủng cúm A, trong đó có chủng H5N1, song không xác định được nguồn virus là từ chim, bò, sữa, từ nước thải của trang trại hay từ con người.
Theo bà Kirby, cho đến nay, các xét nghiệm đã phát hiện dấu hiệu gia tăng sự hiện diện của cúm gia tăng trong một số mẫu xét nghiệm, nhưng chỉ tập trung ở một số địa điểm. Điều đáng ngạc nhiên là dịch bệnh này bùng phát ở gia súc và virus hiện diện trong sữa, đôi khi virus từ nguồn này có thể xâm nhập vào nước thải.
CDC đang tìm hiểu những yếu tố nào dẫn đến phát hiện trên, trong đó có việc điều tra sự hiện diện của sữa trong nước thải.
Cúm H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996 nhưng kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở các loài chim đã tăng theo cấp số nhân, cùng với xu hướng gia tăng số lượng động vật có vú mắc bệnh.
Chủng virus này đã làm chết hàng chục triệu gia cầm, trong khi các loài chim hoang dã, động vật có vú trên cạn và dưới biển cũng mắc bệnh./.