Mỹ đạt đồng thuận về Tuyên bố đối tác với Thái Bình Dương
Hôm 28/9, phiên đầu tiên của Thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương đã kết thúc bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về việc các bên đã thống nhất các vấn đề liên quan nội dung 'Tuyên bố về quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thái Bình Dương'.
Đâu là nội dung vốn có nhiều bất đồng trước thềm hội nghị.
Phiên đầu tiên của Hội nghị do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì với sự tham gia của các lãnh đạo từ 12 quốc đảo ở Thái Bình Dương và đại diện của Australia và New Zealand với tư cách quan sát viên. Sau phiên thảo luận, lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương cũng có chương trình thăm quan và làm việc tại Bộ Ngoại giao, trụ sở Cảnh sát biển và Quốc hội Mỹ, tọa đàm với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và hội kiến Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.
Phát biểu khai mạc phiên họp đầu tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo, qua các phiên làm việc cấp kỹ thuật giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, hai bên đã xây dựng được tầm nhìn chung cho tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó; xác định, chỉ bằng cách hợp tác cùng nhau hành động mới có thể thực sự giải quyết được những thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay.
Ông Blinken nhấn mạnh, trên cơ sở nhận thức chung đó, hai bên đã đi đến thống nhất nội dung tuyên bố chung về quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Blinken đã định hướng các phiên thảo luận vào biện pháp giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời thúc đẩy trao đổi kinh tế và giữ gìn một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mọi quốc gia - bất kể lớn, nhỏ, đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.
Trong đó, Mỹ cũng cam kết mở rộng sự hiện diện ngoại giao và hợp tác phát triển trong khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng sẵn sàng điều chỉnh chiến lược khu vực của mình phù hợp với Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương cho đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết 4,8 triệu USD (7,4 triệu AUD) cho chương trình “Các nền kinh tế xanh bền vững (Resilient Blue Economies)”, để hỗ trợ nghề cá, nông nghiệp và du lịch bền vững” tại Thái Bình Dương; kêu gọi các nước phát triển tăng cường giảm phát thải và hỗ trợ tài chính giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Mỹ cũng thúc đẩy trao đổi về việc tăng cường quan hệ đối tác thực chất, nhằm cùng nhau đối phó những thách thức gia tăng, không chỉ bởi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng mà còn cả môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp tại khu vực. Tuy nhiên, do ngay trước thềm Hội nghị, Solomon đã tuyên bố không ký tuyên bố chung với Mỹ và một số lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương cũng bày tỏ quan ngại về việc Mỹ đưa vấn đề hợp tác an ninh vào tuyên bố, tương tự đề xuất của Trung Quốc từ tháng 5/2022 sẽ đẩy các nước này vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn. Do đó, thông báo về nội dung phiên họp đầu tiên của Hội nghị lần này đã không thấy đề cập sâu tới vấn đề hợp tác an ninh.
Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cũng xác nhận, nước này sẽ không tham gia vào tuyên bố Mỹ - Thái Bình Dương, nhưng ủng hộ việc tăng cường can thiệp
Theo dự kiến, trong phiên họp cuối hôm nay (29/9), hai bên sẽ tiếp tục trao đổi và đi đến kết luận về các nội dung hợp tác cụ thể giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, cũng như xác định khả năng ký kết một tuyên bố chung. Nhiều chuyên gia chính trị dự đoán, hai bên có khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố chung, nhưng các nội dung liên quan hợp tác an ninh nhạy cảm sẽ bị loại bỏ mà chỉ tập trung vào hợp tác chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế như đề nghị của các quốc đảo Thái Bình Dương ngay từ phiên khai mạc Hội nghị./.