Mỹ đạt đột phá khoa học về phản ứng tổng hợp hạt nhân
Lần đầu tiên, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California, Mỹ đã thành công tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân dẫn đến tăng năng lượng ròng.
Theo hãng tin CNN, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm sẽ chính thức công bố đột phá lớn về khoa học này vào hôm nay (13/12).
Kết quả thí nghiệm sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều thập niên nhằm giải phóng một nguồn năng lượng sạch vô tận, có thể giúp chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các nhà nghiên cứu đã cố tái tạo phản ứng tổng hợp hạt nhân - tái tạo sự hợp nhất cung cấp năng lượng cho mặt trời.
Phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra khi hai hay nhiều nguyên tử được hợp nhất thành một nguyên tử lớn hơn. Đây là một quá trình tạo ra một năng lượng khổng lồ dưới dạng nhiệt. Không giống như phản ứng phân hạch hạt nhân vốn cung cấp năng lượng điện cho toàn thế giới, phản ứng tổng hợp hạt nhân không tạo ra chất thải phóng xạ tồn tại lâu dài.
Các nhà khoa học trên toàn cầu đã tiến gần tới đột phá, bằng cách sử dụng các biện pháp khác nhau để cố gắng đạt cùng một mục tiêu.
Dự án của cơ sở National Ignition Facility (NIF) thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore tạo ra năng lượng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân hay phản ứng nhiệt hạch.
Trên thực tế, các nhà khoa học Mỹ đã bắn các viên chứa nhiên liệu hydro vào một chùm gồm gần 200 tia laser, tạo ra một loạt vụ nổ cực kỳ nhanh, lặp đi lặp lại với tốc độ 50 lần mỗi giây. Năng lượng thu được từ các hạt neutron và alpha được chiết xuất dưới dạng nhiệt. Nhiệt nắm giữ chìa khóa để tạo ra năng lượng.
Mặc dù có được mức tăng năng lượng ròng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân là một đột phá lớn song những gì diễn ra ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với những gì cần thiết để cung cấp năng lượng cho lưới điện.