Mỹ đầu tư phát triển UAV trinh sát siêu thanh

Lầu Năm Góc cuối tuần trước trao cho công ty Leidos khoản tiền 334 triệu USD để phát triển máy bay không người lái (UAV) trinh sát siêu thanh tên Mayhem.

“Mayhem sẽ sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng để tạo lực đẩy, đưa phương tiện đi xa hơn với tốc độ lớn hơn Mach 5 (7.174 km/h)”, Leidos cho biết.

Công nghệ siêu thanh lâu nay chủ yếu được trang bị cho vũ khí chẳng hạn như tên lửa, giúp tên lửa bay nhanh hơn nhằm tránh bị phát hiện và đánh chặn. Tốc độ cực kỳ hữu ích vì lực tác động nhanh cũng có sức phá hoại nhất định dù vũ khí không mang đầu đạn.

Nhưng Mayhem không phải vũ khí hủy diệt mà là phương tiện trinh sát - nhiệm vụ vốn do phương tiện di chuyển chậm phụ trách. Mỹ hiện có UAV Reaper và Global Hawk phụ trách trinh sát, cả hai đều không thể thực hiện nhiệm vụ ở tốc độ cao. Mayhem sẽ lấp đầy khoảng trống này.

Mayhelm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở tốc độ cao - Ảnh: Leidos

Mayhelm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở tốc độ cao - Ảnh: Leidos

Kinh nghiệm từ quá khứ

Trong quá khứ từng xuất hiện máy bay trinh sát siêu nhanh, nổi tiếng nhất là SR-71 Blackbirds, A-12 và U-2.

Liên Xô sử dụng một tên lửa đất đối không bắn hạ một chiếc U-2 vào năm 1960. U-2 vẫn hoạt động cho đến ngày nay nhưng một số nhiệm vụ cần phương tiện nhanh hơn. A-12 thực hiện nhiệm vụ từ năm 1967 và 1968 trước khi ngừng hoạt động, SR-71 Blackbird vào biên chế trong những năm 1960 và ngừng hoạt động năm 1998.

Theo Bảo tàng Hàng không - Không gian quốc gia Mỹ: “SR-71 được thiết kế để bay sâu vào lãnh thổ địch, tránh bị đánh chặn nhờ tốc độ khủng khiếp cùng tầm hoạt động cao. Máy bay có thể hoạt động an toàn ở tốc độ tối đa Mach 3 (3.704 km/giờ) ở độ cao hơn 25.000 mét”.

Gần đây hơn có máy bay siêu thanh D-21, từng được dùng trinh sát Trung Quốc giai đoạn 1969 - 1971. Vì hạn chế về công nghệ thời kỳ đó nên 4 chuyến bay D-21 thực hiện không đem lại hình ảnh có giá trị, chương trình bị hủy bỏ.

Mayhem sẽ vượt trội hơn?

Công nghệ cải tiến nhiều giúp dự án Mayhem hứa hẹn hơn. Loại bỏ phi công cũng giúp thu nhỏ kích thước tổng thể, cho phép máy bay không bị ràng buộc bởi việc phải giữ mạng sống cho con người.

Camera, công nghệ xử lý và truyền dữ liệu không dây đều được cải tiến mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Camera chụp khoảng cách xa hiện đại cho hình ảnh chất lượng cao mặc dù chụp ảnh rõ nét ở tốc độ cao còn gặp trở ngại.

Giống như D-21, Mayhem khi bị phá hủy không có nghĩa thông tin thu thập được mất theo. Không những vậy UAV còn có thể được phục hồi và tái sử dụng.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-dau-tu-phat-trien-uav-trinh-sat-sieu-thanh-191228.html