Mỹ, Đức, Thụy Sĩ phối hợp dồn tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine

Dù kho vũ khí gần như cạn kiệt, Berlin vẫn rút Patriot từ lực lượng chủ lực trong khi một phần lô hàng Thụy Sĩ cũng được điều hướng về Kiev sau thỏa thuận ngầm ba bên.

Đức phá lệ

Kế hoạch chuyển giao khẩn cấp hệ thống phòng không MIM-104 Patriot cho Ukraine vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận trong khuôn khổ nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine.

Theo đó, Berlin sẽ điều động 5 hệ thống Patriot từ kho vũ khí vốn đã “rất eo hẹp” của mình, bất chấp những cảnh báo trước đây về việc không còn đủ dự phòng. Điểm đặc biệt là thỏa thuận lần này không chỉ dừng ở hai bên, mà còn có sự can dự của Thụy Sĩ và Mỹ, mở đường cho một “cuộc hoán đổi chiến lược” hiếm thấy giữa các quốc gia NATO và trung lập.

Bộ trưởng Pistorius cũng xác nhận thông tin: Các hệ thống Patriot lẽ ra dành cho Không quân Thụy Sĩ sẽ bị hoãn bàn giao và thay vào đó được “chuyển hướng” sang Quân đội Đức, để bù lại số tổ hợp gửi sang Ukraine. Theo kế hoạch, Thụy Sĩ sẽ tiếp nhận Patriot vào giai đoạn 2027-2028. Ukraine sẽ nhận 5 tổ hợp trong thời gian ngắn nhất có thể, đi kèm tên lửa đánh chặn và cả tài trợ sản xuất UAV tầm xa ngay tại Kiev.

Bệ phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Patriot. Ảnh Military Watch

Bệ phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Patriot. Ảnh Military Watch

Điều này đánh dấu sự thay đổi lập trường đáng kể của Berlin. Trước đó, chính Bộ trưởng Pistorius từng khẳng định Đức không còn đủ Patriot để viện trợ, khi 3 tổ hợp đã gửi tới Ukraine, 2 triển khai ở Ba Lan và 1 phục vụ huấn luyện NATO.

Cựu Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hồi tháng 4/2024 cũng thừa nhận “kho dự trữ Patriot của Đức gần như đã cạn” và kêu gọi kiểm tra năng lực cung ứng của toàn châu Âu.

Patriot còn đủ mạnh để thay đổi cục diện?

Trên lý thuyết, mỗi tổ hợp MIM-104 Patriot có giá trị lên tới 2,5 tỷ USD, một con số khiến việc viện trợ trở thành gánh nặng lớn với phương Tây, đặc biệt khi tốc độ tiêu hao vũ khí phòng không ở Ukraine đang vượt xa khả năng sản xuất thay thế của NATO.

Tháng 3/2024, các đoạn video quay từ UAV của Nga đã ghi lại hàng loạt vụ tấn công chính xác nhắm vào tổ hợp Patriot, phá hủy bệ phóng, radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-65 và cả xe điều khiển trung tâm.

Gần đây nhất, trong đêm 21/7, một trong những tổ hợp Patriot cuối cùng tại Ukraine đã bị hủy diệt hoàn toàn sau đợt tập kích tầm xa của Nga, làm dấy lên tranh cãi về giá trị thực sự của hệ thống này trong môi trường chiến tranh hiện đại. Điều này càng trở nên đáng ngại khi các quan chức và chuyên gia Ukraine thừa nhận Patriot ngày càng tỏ ra bất lực trước loạt tên lửa đạn đạo mới của Nga - đặc biệt là Iskander-M.

Theo người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, Iskander-M đã đạt khả năng cơ động cao ở pha cuối đường bay, đủ sức đánh lừa thuật toán đánh chặn của Patriot. “Chúng có thể thả mồi bẫy điện tử, đánh lạc hướng radar và thực hiện các pha né tránh khiến tên lửa đánh chặn bị vô hiệu”, ông nói ngày 26/5.

Bệ phóng tên lửa Patriot trong biên chế của Đức. Ảnh Military Watch

Bệ phóng tên lửa Patriot trong biên chế của Đức. Ảnh Military Watch

Giữa lúc NATO vật lộn để lấp đầy các lỗ hổng phòng không tại sườn phía đông, việc Berlin chấp nhận rút Patriot từ biên chế chiến đấu, trong khi vẫn chưa được thay thế là một quyết định mang tính rủi ro chiến lược. Bên cạnh chi phí tài chính khổng lồ, cái giá địa chính trị có thể còn lớn hơn: nếu các tổ hợp này tiếp tục bị phá hủy tại Ukraine, Patriot không chỉ tổn thất về mặt vật chất, mà còn mất cả uy tín biểu tượng - vốn được Mỹ và phương Tây dày công xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh.

Vấn đề càng trở nên nhạy cảm khi Thụy Sĩ - quốc gia trung lập cũng bị cuốn vào ván cờ, dù theo cách gián tiếp. Việc trì hoãn bàn giao hệ thống cho Không quân Thụy Sĩ để “bù đắp” số lượng xuất khẩu chiến trường có thể tạo tiền lệ, khiến các khách hàng quốc phòng khác của Mỹ lo ngại về độ tin cậy cam kết. Tuy nhiên, theo các nguồn tin châu Âu, chính phủ Thụy Sĩ “ngầm đồng thuận” với giải pháp này trong bối cảnh an ninh châu lục đang “xấu đi” từng ngày.

Về phần Ukraine, giới chức Kiev coi việc nhận thêm Patriot là ưu tiên tuyệt đối. Trong bối cảnh Nga gia tăng các đợt không kích bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal và đạn lượn UMPK, các hệ thống đánh chặn tầm cao như Patriot dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn là tuyến phòng thủ quan trọng cuối cùng, bảo vệ thủ đô và các trung tâm chỉ huy.

Việc Mỹ, Đức và Thụy Sĩ chốt được kế hoạch tăng tốc chuyển giao Patriot là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang quyết tâm duy trì an ninh vùng trời Ukraine, ít nhất là tại các đô thị trọng điểm. Dù hệ thống này đang bộc lộ rõ những giới hạn trước tên lửa Nga thì nó vẫn là vũ khí chiến lược hiếm hoi có thể tạo áp lực tâm lý với Moskva, đồng thời giữ được niềm tin của đồng minh NATO.

Lê Hưng (Miltary Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/my-duc-thuy-si-phoi-hop-don-to-hop-phong-khong-patriot-cho-ukraine-ar956547.html