Mỹ-EU đạt thỏa thuận áp thuế 15%: Nhượng bộ chiến lược giữa căng thẳng leo thang

Trong một động thái được coi là đột phá đối với tình trạng bế tắc trong đàm phán thuế quan xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Donald Trump hôm 27/7 thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), trong đó ấn định mức thuế chung là 15% đối với hàng hóa EU, thấp hơn nhiều so với các mức thuế mà ông từng đe dọa trước đây.

Thỏa thuận lớn chưa từng có?

Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng golf Turnberry ở bờ biển phía tây Scotland, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế đồng loạt 15% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ 27 quốc gia EU, chấm dứt nỗ lực của khối này nhằm duy trì mức thuế cơ bản 10%. “Chúng tôi đã đồng ý rằng thuế đối với ô tô và mọi mặt hàng khác sẽ được ấn định ở mức đồng loạt 15%”, ông Trump nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc đàm phán ngày 27/7. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc đàm phán ngày 27/7. Ảnh: Reuters

Đổi lại, “tất cả các nước thành viên sẽ mở cửa thương mại với Mỹ với mức thuế bằng 0, và họ cũng sẽ đồng ý mua một lượng lớn thiết bị quân sự”. “Đây là một thỏa thuận đôi bên cùng hài lòng”, ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ông cũng tuyên bố EU sẽ đồng ý mua năng lượng từ Mỹ trị giá 750 tỷ USD, và đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, bên cạnh các khoản đầu tư hiện tại. Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận lớn nhất từng đạt được”, dù các chi tiết cụ thể chưa được công bố.

Mức thuế 15% được thống nhất thấp hơn đáng kể so với mức 30% mà ông Trump từng đe dọa hôm 12/7, hay mức 20% được đề cập vào tháng 4. Tuy vậy, mức thuế này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình chỉ 1,2% mà hàng hóa EU từng chịu khi vào thị trường Mỹ, theo số liệu của Capital Economics.

Bà von der Leyen thừa nhận: “Mức thuế 15% không hề thấp, nhưng là điều tốt nhất chúng tôi có thể đạt được trong bối cảnh hiện tại”. Bà nhấn mạnh rằng “giữ được quyền tiếp cận thị trường Mỹ là điều thiết yếu, dù điều đó đi kèm chi phí”.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 975 tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Thỏa thuận mới, dù vẫn chưa hoàn thiện, được kỳ vọng sẽ giúp tránh một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, vốn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mong manh của cả hai nền kinh tế.

Hai nhượng bộ lớn của châu Âu

Theo nội dung thỏa thuận, một loạt ngành hàng quan trọng của hai bên sẽ được miễn thuế hoàn toàn, bao gồm máy bay và linh kiện, một số hóa chất, dược phẩm phổ thông, thiết bị bán dẫn và một số nông sản. Đây là những lĩnh vực được cả hai bên xem là “xương sống” của chuỗi cung ứng và không nên bị gián đoạn.

Đổi lại, EU đã chấp nhận những nhượng bộ quan trọng nhất với cam kết mua năng lượng và vũ khí từ Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho biết, EU đã đồng ý mua 750 tỷ USD năng lượng từ Mỹ và đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ dù chưa rõ hình thức cụ thể hay thời gian triển khai.

Bà von der Leyen bổ sung rằng EU sẽ thay thế toàn bộ nguồn cung năng lượng từ Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, với tổng trị giá khoảng 250 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm tới.

Ngoài ra, ông Trump cho biết, EU cũng sẽ mua “một lượng lớn thiết bị quân sự” từ Mỹ mặc dù chưa có con số cụ thể. Đây là một diễn biến đáng chú ý, bởi trước đó EU vẫn chủ trương ưu tiên mua sắm quốc phòng từ các công ty nội khối.

Câu hỏi đối với một số loại thuế khác

Tuy nhiên, các mức thuế hiện có đối với thép, vốn đang ở mức 50%, sẽ không thay đổi. Tổng thống Donald Trump cũng không loại trừ khả năng áp thuế bổ sung, đặc biệt là đối với dược phẩm - ngành hàng mà Ireland là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Ông từng đe dọa mức thuế tới 200% đối với các loại thuốc nhập khẩu, dù cho biết sẽ chưa áp dụng trong vòng 18 tháng tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng tiết lộ rằng, các mức thuế mới đối với thiết bị bán dẫn - lĩnh vực then chốt của châu Âu, “có thể sẽ được công bố trong vài tuần tới”.

Cuộc đàm phán cam go

Cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào đúng hạn chót ngày 26/7 để tránh việc Mỹ áp mức thuế 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu. Trước đó, ông Trump nhiều lần khẳng định mức thuế thấp nhất mà Mỹ có thể chấp nhận đối với các đối tác thương mại là 15%.

Giới chức EU cho biết, quá trình đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump vô cùng căng thẳng. Bà von der Leyen mô tả cuộc gặp với Tổng thống Mỹ là “rất khó khăn vì hai bên khởi đầu với quan điểm rất xa nhau”. Nhưng sau cùng, bà khẳng định đây là một kết quả “tốt và chấp nhận được”.

“Tôi đã lường trước điều đó ngay từ đầu, và thực tế đúng là rất căng thẳng. Nhưng chúng tôi đã đạt được một kết quả tốt cho cả hai bên. Thỏa thuận này sẽ mang lại sự ổn định, mang lại khả năng dự đoán. Điều đó rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai bờ Đại Tây Dương”, bà nhấn mạnh.

Thỏa thuận này có cấu trúc tương tự thỏa thuận mà Mỹ vừa đạt được với Nhật Bản, trong đó Nhật đồng ý chịu mức thuế 15% - thấp hơn nhiều so với mức mà ông Trump từng cảnh báo.

Đình chiến tạm thời?

Dù đạt được bước tiến lớn trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận này không mang tính lâu dài, mà chỉ là một bước “ngưng bắn có điều kiện”. Với các tuyên bố không nhất quán và khả năng thay đổi chính sách đột ngột, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn có thể tái khơi mào căng thẳng bất kỳ lúc nào.

Bà von der Leyen từng cảnh báo: “Nếu Mỹ thực sự áp thuế 30% với hàng xuất khẩu từ EU, điều đó sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở hai bờ đại dương”.

Trước khi đạt được thỏa thuận, EU đã chuẩn bị sẵn một danh sách áp thuế trả đũa trị giá 100 tỷ USD, nhằm vào các sản phẩm chiến lược và chính trị như máy bay Boeing, xe hơi Mỹ, rượu bourbon từ bang Kentucky và đậu nành từ Louisiana - những mặt hàng có ý nghĩa biểu tượng và kinh tế lớn đối với Mỹ.

Thủ tướng Ireland viết trên X rằng, ông “hoan nghênh thỏa thuận”, nhưng cảnh báo “sẽ có những mức thuế cao hơn trước, và điều này chắc chắn khiến việc buôn bán giữa hai khối trở nên đắt đỏ và thách thức hơn”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức bày tỏ sự hài lòng khi “tránh được một cuộc chiến thương mại có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô”. Ông cho biết mức thuế nhập khẩu xe hơi từ EU vào Mỹ sẽ giảm gần một nửa, từ 27,5% xuống còn 15%.

Các nhóm lợi ích ở cả hai bờ Đại Tây Dương vẫn bày tỏ lo ngại. Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức VDA cho biết, chi phí đã “lên tới hàng tỷ USD” và “mỗi ngày trôi qua, con số ấy lại tăng thêm”. Trong khi đó, các nhóm nông nghiệp và doanh nghiệp Mỹ từng lên tiếng mạnh mẽ phản đối mức thuế 30% mà ông Trump từng đe dọa, gọi đề xuất này là “không thể hiểu nổi”.

Với tổng giá trị xuất khẩu của EU vào Mỹ đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2024, dẫn đầu là dược phẩm từ Ireland, xe hơi từ Đức, máy bay từ Pháp, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng có thể tạo ra làn sóng chấn động toàn cầu. Tạm thời, những căng thẳng đã được xoa dịu nhưng bàn cờ thuế quan vẫn nằm trong tay một người có dễ thay đổi như ông Trump, sự bình ổn có thể chỉ là tạm thời.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/my-eu-dat-thoa-thuan-ap-thue-15-nhuong-bo-chien-luoc-giua-cang-thang-leo-thang-10381282.html