Mỹ gây sức ép với Iran trong ngày tổng tuyển cử
Ngày 21-2, gần 58 triệu cử tri Iran đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử nhằm chọn ra các nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ mới gồm 290 ghế. Tuy nhiên, ngay trước ngày bầu cử, Mỹ quyết định đưa 5 quan chức Iran vào 'danh sách đen' với cáo buộc cản trở bầu cử tự do và công bằng.
Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 21-2 đưa tin, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa vào lúc 4 giờ 30 phút, giờ GMT (tức 11 giờ 30 phút, giờ Hà Nội) và kéo dài trong 10 giờ. Tại tổng tuyển cử lần này, có hơn 7.000 ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội Iran gồm 290 ghế. Theo luật định, người thắng cử phải giành được ít nhất 20% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn còn ghế quốc hội chưa được xác định do các ứng cử viên không hội đủ số phiếu cần thiết để có thể trúng cử, cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Quá trình kiểm phiếu sẽ được tiến hành bằng phương pháp thủ công nên kết quả chính thức cuối cùng khó có thể công bố sớm.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, khi những căng thẳng giữa Tehran và Washington liên tục leo thang suốt cả năm 2019. Nền kinh tế Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm ngoái, tỷ lệ lạm phát lên tới 35%, trong khi xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu chủ lực của Tehran, giảm mạnh từ 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 500.000 thùng/ngày hiện nay. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Iran sẽ không tăng trưởng trong năm nay và chỉ tăng 1% trong năm tới. Đây được xem là yếu tố chính khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra và lan rộng tại quốc gia này hồi tháng 11-2019.
Giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử Quốc hội lần này được xem là “phép thử” đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, bởi kết quả tổng tuyển cử sẽ báo hiệu triển vọng chính trị của nhà lãnh đạo này khi năm tới Iran sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống. Nếu cơ quan lập pháp tối cao của Iran nhiệm kỳ tới do những nghị sĩ thuộc phe bảo thủ và cứng rắn chiếm đa số, ông Rouhani sẽ phải chịu nhiều sức ép. Mọi quyết sách của nhà lãnh đạo theo đường lối cởi mở và ôn hòa này sẽ gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, dù kết quả bầu cử Quốc hội và tổng thống ra sao thì chính sách đối ngoại và hạt nhân của Iran nhiều khả năng sẽ không thay đổi đáng kể, bởi lâu nay, Đại giáo chủ Ali Khamenei được cho vẫn là người nắm quyền lực tối cao ở Iran, là nhân vật có “tiếng nói cuối cùng” trong mọi vấn đề hệ trọng của đất nước.
Một ngày trước khi Iran bước vào cuộc bầu cử Quốc hội, Chính phủ Mỹ đã có bước đi gây áp lực tâm lý lên quốc gia này khi quyết định đưa 5 quan chức nước Cộng hòa Hồi giáo vào "danh sách đen" với cáo buộc thao túng bầu cử. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, 5 quan chức bị áp đặt trừng phạt nói trên là thành viên của Hội đồng Giám hộ và Ủy ban giám sát bầu cử của Iran phụ trách "thẩm tra tư cách ứng cử viên" tham gia tranh cử. Theo đó, tất cả tài sản ở Mỹ của các quan chức Iran này sẽ bị phong tỏa và các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với họ. Trong số các quan chức Iran bị áp đặt trừng phạt có giáo sĩ Ahmad Jannati, Thư ký Hội đồng Giám hộ và ông Mohammed Yazdi, người từng đứng đầu ngành tư pháp của Iran và vừa được bổ nhiệm vào Hội đồng Giám hộ. 3 nhân vật còn lại vừa được bổ nhiệm vào ủy ban giám sát bầu cử.
Hội đồng Giám hộ Iran ngay sau đó đã lên án các biện pháp trừng phạt mới của Washington. Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Hội đồng Giám hộ Iran Abbas Ali Kadkhodaee-một trong những nhân vật bị Mỹ áp đặt trừng phạt-nêu rõ: "Qua các trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào các thành viên Hội đồng Giám hộ, chính quyền Mỹ đã thể hiện hoàn toàn không dân chủ". Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Giờ đây chúng tôi càng quyết tâm bảo vệ lá phiếu của người dân".