Mỹ gửi vũ khí 'hạ cấp' tới Ukraine: Tín hiệu né tránh 'lằn ranh đỏ' với Nga?
Pháo không có GPS, bệ phóng tên lửa bị hạn chế ở tầm ngắn... Mỹ đang gửi vũ khí cho Ukraine với những hạn chế đáng kể. Giới quan sát cho rằng dường như giới chức Mỹ đang cố tránh một cuộc đối đầu với Nga.
Những vũ khí hạn chế
Cho dù là xe tăng chiến đấu Leopard 2 từ Na Uy hay máy bay chiến đấu MiG-29 từ Slovakia... Ukraine nhận được cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng từ các đồng minh quốc tế gần như hàng ngày. Vào ngày 20/3, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 350 triệu USD, tuy nhiên trong đó không thấy xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams như nước này đã hứa trước đây.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đang tìm cách rút ngắn thời gian chuyển giao các gói viện trợ quân sự này và sẽ giao các mẫu cũ hơn vào mùa Thu tới. Vào tháng Một, tờ Politico từng đưa tin vì các quy định xuất khẩu, Mỹ dự định loại bỏ lớp bọc giáp đã được phân loại của xe tăng Abrams, bao gồm uranium nghèo, trước khi gửi đến Ukraine.
Ông Gustav Gressel, một thành viên chính sách cấp cao chuyên về xung đột vũ trang và các vấn đề quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định rằng điều này không có gì bất thường.
"Ukraine đang nhận được phiên bản xuất khẩu của Abrams, tương tự loại được sử dụng ở Ai Cập, Saudi Arabia và Iraq", ông Gressel nói.
Chuyên gia này cũng lưu ý thêm rằng lớp giáp này tương đương với lớp giáp của xe tăng Leopard 2A4 cũ của Đức mà Na Uy và trước đó là Ba Lan đã giao cho Ukraine. Ông Gressel cho biết mẫu Abrams cũ "vẫn là một chiếc xe tăng chiến đấu tốt với một camera cảm ứng nhiệt và một khẩu pháo uy lực, đồng thời vượt trội so với xe tăng Nga về khả năng điều khiển".
Các quy định về xuất khẩu là một trong những lý do khiến Mỹ chỉ cung cấp một số loại vũ khí nhất định ở dạng đã sửa đổi cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ cũng lo ngại khi ở Ukraine, những vũ khí này có thể bị bỏ lại và bị phía Nga thu giữ và nghiên cứu.
Mối lo ngại này cũng lan ra đối với các loại lựu pháo M777 mà Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine kể từ tháng 4/2022. Những khẩu pháo này được bàn giao mà không có hệ thống định vị GPS và máy tính tích hợp. Rõ ràng, vũ khí không có định vị GPS thường kém chính xác hơn.
Mặc dù vậy, quân đội Ukraine đã nhanh chóng tìm ra giải pháp và cài đặt các hệ thống riêng, bao gồm cả phần mềm quân sự GIS Arta được phát triển ở Ukraine để điều phối các cuộc tấn công bằng pháo binh. Vào tháng 5/2022, truyền thông đưa tin Ukraine đã triển khai lựu pháo M777 sử dụng phần mềm GIS Arta để ngăn chặn bước tiến của đối phương băng qua sông Siverskyi Donets gần làng Bilohorivka ở vùng Luhansk.
Ông Serhiy Hrabsky, một cựu sĩ quan trong lực lượng vũ trang Ukraine cho biết không lo ngại về những hạn chế của các hệ thống vũ khí do các đồng minh của Ukraine gửi tới.
“Tất cả các hệ thống thông tin dẫn đường đều được tích hợp với các cơ quan chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vì vậy, chúng chỉ có thể được sử dụng trong khuôn khổ các nhiệm vụ của NATO", ông nói. Cựu sĩ quan này khẳng định đây là thông lệ và Ukraine đã sử dụng các hệ thống của riêng mình.
Lo ngại leo thang căng thẳng với Nga
Tuy nhiên, tình hình dường như lại khác với các bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã sử dụng từ mùa Hè năm ngoái, giúp tạo nên các cuộc tấn công chính xác trong xung đột.
Măc dù vậy, Mỹ hiện chỉ cung cấp tên lửa có tầm bắn khoảng 80 km cho Ukraine, chứ không phải là hệ thống tên lửa chiến lược - chiến thuật mạnh hơn rất nhiều có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 300 km.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ đã sửa đổi các bệ phóng tên lửa này trước khi chuyển giao để chúng không thể bắn các tên lửa có tầm bắn xa hơn, ngay cả khi Ukraine có thể mua chúng trên thị trường toàn cầu. Tờ báo trích dẫn một nguồn giấu tên từ chính phủ Mỹ cho biết quyết định này được đưa ra nhằm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng giữa với Nga.
Hồi tháng Chín, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết tên lửa tầm xa sẽ là "lằn ranh đỏ" khiến Mỹ trở thành một bên trong cuộc xung đột. Ông Gressel lưu ý rằng các hạn chế kỹ thuật có thể được đảo ngược trên các bệ phóng HIMARS nếu Mỹ muốn.
Ông Stephen Blank, học giả cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết những hạn chế đối với các hệ thống vũ khí liên quan đến "mối lo ngại về Nga và sự leo thang căng thẳng xung đột với Nga".
Tuy nhiên, ông Blank coi những lo ngại như vậy là phóng đại: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang quá sợ hãi trước sự leo thang của Nga".
Ông Blank chỉ ra "sự khác biệt đáng kể" trong xung đột khi Nga có thể tập trung thiết bị quân sự và "khai hỏa theo ý muốn" mà không sợ bị phản công.
Vị học giả này cho biết, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu còn lo lắng hơn các quan chức Mỹ. Ông nói rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách duy trì sự thống nhất của NATO và vì thế đã tính đến những lo ngại đó. Liên minh này đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không phải là một bên tham gia và sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Về phần mình, ông Gressel nhấn mạnh: “Bất kỳ sự hạn chế nào trong việc cung cấp vũ khí của phương Tây đều là tín hiệu cho Nga thấy rằng chúng tôi không nghiêm túc”.