Mỹ hoãn áp dụng thuế quan 46% trong 90 ngày, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp các mức thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế trong vòng 90 ngày, trong đó có Việt Nam. Trước đó, mức thuế đối ứng được Mỹ công bố đối với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%. Việc hoãn này mở ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp có thời gian giao hàng
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.HCM, việc Mỹ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là tin vui.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, sắp xếp cho các đơn hàng đang di chuyển trên biển, có thời gian giao hàng mới và thậm chí có thời gian cho việc đặt thêm đơn hàng.
Tuy nhiên, về dài hạn thì ông Chánh Phương cho rằng, trong thời gian nửa năm hay một năm tới, việc dịch chuyển đơn hàng không dễ.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho rằng, dịch chuyển đơn hàng sang thị trường khác không đơn giản dù hàng Việt Nam đã xuất khẩu đến 102 nước trên thế giới. Ngành dệt may sản xuất thời trang theo mùa và gu thẩm mỹ, thị xu hướng tiêu dùng, văn hóa của mỗi nước khác nhau nên cần phải có thời gian để tiếp cận khách hàng.
“Thời trang tạo phong cách, phom dáng, màu sắc ở các thị trường khác nhau. Các nước cũng có xu hướng cá nhân hóa phong cách thời trang. Vì vậy, chúng ta phải cần 1,5-2 năm (1 -2 mùa thời trang) để tiếp cận thị trường mới và có thời gian để khách hàng trải nghiệm sản phẩm” - ông Việt chia sẻ.
Theo nhiều doanh nghiệp, để tránh việc Việt Nam bị áp thuế cao, điều quan trọng nhất đối với các mặt hàng dệt may, chế biến gỗ là giải quyết được vấn đề nguồn gốc xứ nguyên, phụ liệu. Doanh nghiệp cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp phải cắt được dòng trung chuyển của nước thứ 3. Tuy nhiên, việc thay thế nguồn cung nguyên, phụ liệu này không thể làm trong một sớm một chiều.

Sản phẩm chế gỗ không chỉ nguyên liệu gỗ mà sử dụng nhiều nguyên liệu khác như vải, da, kim khí...
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, điều này không chỉ khó với ngành dệt may mà cả ngành chế biến gỗ: “Chúng ta làm đồ gỗ không chỉ gỗ mà chúng ta làm đồ nội thất gỗ bằng nhiều vật liệu khác nhau với nhiều công nghệ. Việc sản xuất đồ gỗ cũng đang có sự dịch chuyển từ gia công sang thiết kế. Việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu gia công sang dịch vụ cần có vai trò quan trọng của các hiệp hội tư vấn cho Chính phủ và chia sẻ cho doanh nghiệp”.
Tạo sự khác biệt của sản phẩm để khó thay thế
Trước khó khăn này, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM, CEO Faslink cho rằng, doanh nghiệp phải tạo sự khác biệt của sản phẩm để khó thay thế. Đó là doanh nghiệp phải đầu tư khâu thiết kế, vì hiện nay rất ít doanh nghiệp có phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chú ý trong khâu chọn vật liệu khi thiết kế sản phẩm và tối ưu hóa công nghệ sản xuất.

Doanh nghiệp cần tối ưu hóa công nghệ để giảm chi phí sản xuất
Để làm tốt việc này, theo bà Xuân doanh nghiệp cần liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam: “Chúng tôi cũng học tập mô hình của ngành dệt may là Đài Loan, họ có vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng của thế giới. Vì doanh nghiệp nhỏ cũng có phòng R&D, họ được bảo hộ, kinh doanh. Hàng năm, R&D đều có những thiết kế mới đều đặn. Hiện nay, hiệp hội cũng đang phối hợp với các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực về nghiên cứu, phát triển thị trường”.
Hiện nay, bên cạnh nỗi lo việc Mỹ áp thuế cao sẽ khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam thì doanh nghiệp, chuyên gia cũng lo khủng hoảng thừa hàng hóa và việc Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ giảm 25%.
Khi đó, sẽ gây áp lực rất lớn lên tỷ giá và rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chưa kể hàng giá rẻ của Trung Quốc cũng tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trên ngay sân nhà.