Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, cần tạo cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp Việt

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế 90 ngày và việc Việt Nam - Mỹ thống nhất khởi động đàm phán ngay về thương mại đối ứng khiến cộng đồng doanh nghiệp trong nước 'thở phào'.

Sáng 10.4, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp đón nhận tin vui khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các nước, đưa mức thuế về 10%, mở ra cơ hội đàm phán với các nước.

Các doanh nghiệp đón nhận thông tin trên với tâm trạng "tạm thở phào". Bởi việc hoãn áp thuế đối ứng, doanh nghiệp sẽ không phải chịu thêm gánh nặng chi phí và không bị xáo trộn kế hoạch kinh doanh ngay lập tức. Dù vậy nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng, bởi việc "tạm hoãn" không đồng nghĩa với việc "bãi bỏ hoàn toàn" - các rủi ro sau này vẫn tiềm ẩn.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng trong bối cảnh nước ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có thể làm sụt giảm từ 30 - 40 tỉ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 91 - 92%) tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong

Trước động thái tạm hoãn chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề nghị Mỹ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng, như: sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế. Cùng đó là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Mỹ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Mỹ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Mỹ để sớm cải thiện cán cân thương mại để tạo động lực cải thiện giảm thuế đối xứng với Mỹ.

Việc Chính phủ ban hành nghị định 73 về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0% (mức thuế quan trung bình Việt Nam áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hiện là 9,5% trong khi Mỹ chỉ áp dụng với Việt Nam là 3,3%), được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế hơn.

Ngoài những giải pháp trên, ông Phong cho rằng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động và kịp thời nắm chắc tình hình, giữ bản lĩnh, sự sáng suốt, sự sáng tạo, khôn khéo trong điều hành trong quản lý; kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản; bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng để phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng là 8% trong năm nay và hai con số vào những năm tiếp theo.

Về phía cơ quan quản lý, chiều 10.4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, nói về các biện pháp sắp tới của Việt Nam trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng quyết định của Mỹ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước sang Mỹ, trong đó có Việt Nam là bước đi tích cực".

"Trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ cùng Mỹ tiến hành đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được các giải pháp thỏa đáng hướng đến thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước", người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.

Chiều 9.4, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.

Phó thủ tướng đề nghị mặc dù Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày, nhưng hai nước cần sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại diện Thương mại Mỹ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-hoan-ap-thue-90-ngay-can-tao-co-che-uu-dai-cho-doanh-nghiep-viet-231428.html