Mỹ hoãn thuế 90 ngày: Tác động đa chiều đến vàng, tỷ giá và lãi suất
Quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp giảm áp lực lên thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất.

Hoãn áp thuế trong 90 ngày, tác động đa chiều đến vàng, tỷ giá và lãi suất. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 10/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc - nơi chịu mức thuế tăng lên 125%. Quyết định này được đưa ra sau áp lực từ cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại đồng thời mở ra cơ hội đàm phán để giảm căng thẳng thương mại toàn cầu.
Động thái này không chỉ mang lại sự “thở phào” tạm thời mà còn tạo ra những tác động đáng kể đến thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất trong nước.
Giá vàng tăng dữ dội
Vàng từ lâu đã được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Trước khi Mỹ công bố hoãn thuế, giá vàng thế giới đã trải qua biến động mạnh. Theo dữ liệu, giá kim loại màu vàng đã tăng 3% trong ngày 9/4 và ghi nhận ngày hoạt động tốt nhất trong nhiều năm nhờ được hỗ trợ bởi dòng tiền đổ vào tìm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau quyết định tăng thuế đối với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, sau thông báo hoãn thuế, tại phiên sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh có thời điểm lên tới 3.122 USD/ounce, tăng 77 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Dù việc hoãn thuế đối ứng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng bất ổn vẫn còn tồn tại. Các nhà đầu tư có thể không hoàn toàn yên tâm về một thỏa thuận thương mại dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc giá vàng tăng mạnh 77 USD trong một ngày cho thấy thị trường vẫn lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, khi những yếu tố như lãi suất của Mỹ, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và tình trạng nợ công toàn cầu vẫn còn là mối lo lớn đối với các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, giá vàng thường có sự biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức độ biến động này còn bị chi phối bởi các yếu tố như tỷ giá VND/USD và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Giá vàng tăng mạnh phiên ngày 10/4. (Ảnh: Vietnam+)
Chỉ trong 3 ngày giao dịch, giá vàng SJC và vàng nhẫn cũng đã tăng khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lượng. Tại phiên đầu giờ chiều nay (10/4) giá vàng miếng đã tăng lên 103.90 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng so với phiên sáng nhưng đến cuối giờ chiều nay đã giảm nhẹ xuống còn 103.60 triệu đồng/lượng nhưng đây vẫn được cho là đang ở mức cao. Hiện vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới quy đổi khoảng 5,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia đánh giá, tại Việt Nam, vàng còn chịu ảnh hưởng từ yếu tố nội địa như nhu cầu tích trữ trong dân và chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nếu đàm phán với Mỹ thành công, dòng tiền ngoại tệ từ xuất khẩu được duy trì, giảm áp lực lên tỷ giá, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa kiểm soát thị trường vàng trong nước. Nhìn chung, trong 90 ngày tới, giá vàng tại Việt Nam có thể dao động nhẹ, nhưng tiềm năng tăng vẫn hiện hữu nếu căng thẳng thương mại tái leo thang sau giai đoạn tạm hoãn.
Tỷ giá, lãi suất giảm áp lực nhưng vẫn cần thận trọng
Tỷ giá USD/VND là một trong những chỉ số nhạy cảm nhất với các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt khi Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường này. Trước khi Mỹ hoãn thuế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cảnh báo về “diễn biến tỷ giá phức tạp” sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump, với mức tăng 0,6% ngay ngày đầu tiên. Mức thuế 46% dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ và đẩy tỷ giá tăng, ước tính khoảng 3%-5% theo phân tích của một số chuyên gia.
Quyết định hoãn thuế trong 90 ngày giúp giảm áp lực tức thì lên tỷ giá. Với mức thuế tạm thời chỉ còn 10%, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thêm thời gian điều chỉnh chiến lược, duy trì dòng ngoại tệ từ Mỹ - nguồn thu chiếm phần lớn trong cán cân thương mại. Điều này hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá, tránh được tình trạng tăng nóng như 2 phiên 8-9/4.
Cụ thể, tại phiên chiều ngày 8/4, tỷ giá tại Vietcombank niêm yết ở mức 25.750-26.140 đồng, tăng 160 đồng so với mở cửa đầu giờ sáng. Sang đến phiên ngày 9/4, tỷ giá giao dịch từ 25.792-26.182 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng thêm 42 đồng so với chốt phiên trước.

Các chuyên gia cho rằng tỷ giá giảm áp lực tạm thời nhưng vẫn cần thận trọng. (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, tại phiên sáng nay (10/4) sau khi thông tin hoãn áp dụng mức thuế quan, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh tới 182 đồng, hiện đang giao dịch ở mức 26.000 đồng/USD.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc tỷ giá VND/USD giảm có thể là dấu hiệu cho thấy sự ổn định tạm thời của nền kinh tế Việt Nam. Sau quyết định hoãn thuế, thị trường tài chính quốc tế phản ứng tích cực, điều này đã làm giảm sự lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình thương mại toàn cầu. Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời lắng xuống, nhu cầu dự trữ USD tại Việt Nam giảm, khiến tỷ giá giảm nhẹ. Hơn nữa, các số liệu kinh tế trong nước cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng ổn định, điều này cũng góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành với liều lượng hợp lý, cân nhắc hài hòa giữa tỷ giá và mục tiêu giảm lãi suất.”
Điều này cho thấy, dù áp lực giảm, Ngân hàng Nhà nước vẫn thận trọng trước nguy cơ biến động từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt nếu Mỹ và Trung Quốc leo thang chiến tranh thương mại.
Các chuyên gia cho rằng trong 90 ngày tới, tỷ giá USD/VND có thể duy trì ổn định quanh mức hiện tại nhưng rủi ro tăng vẫn tiềm ẩn nếu đàm phán với Mỹ không đạt kết quả tích cực hoặc Trung Quốc trả đũa mạnh mẽ, gây biến động dòng vốn toàn cầu.
Ngoài ra, lãi suất chịu ảnh hưởng từ cả chính sách tiền tệ trong nước và xu hướng lãi suất toàn cầu, đặc biệt từ Fed. Trước khi hoãn thuế, các chuyên gia dự báo Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất do lo ngại lạm phát từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donal Trump, khiến Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc hoãn thuế trong 90 ngày mang lại dư địa linh hoạt hơn cho Ngân hàng Nhà nước. Với áp lực tỷ giá giảm và triển vọng xuất khẩu được duy trì, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét tiếp tục chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ các ngành chịu tác động từ thuế như thủy sản, dệt may và da giầy.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng việc hoãn thuế giúp Việt Nam có thêm thời gian ứng phó nhưng lãi suất vẫn cần điều hành thận trọng để cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong ngắn hạn, lãi suất liên ngân hàng và huy động có thể ổn định hoặc giảm nhẹ, nhưng chính sách dài hạn sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán với Mỹ và diễn biến kinh tế toàn cầu./.