Sớm hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững
Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật quy định về xuất xứ hàng hóa đã được minh bạch hóa và cụ thể hóa thông qua việc Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa là yêu cầu cấp thiết
Ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Qua 7 năm triển khai, Nghị định đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức thực thi công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật quy định về xuất xứ hàng hóa đã được minh bạch hóa và cụ thể hóa thông qua việc Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp C/O và cách xác định quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và khai thác ưu đãi thuế quan, đặc biệt từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…

Cuộc họp của Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương.
Thành quả rõ nét nhất là sự gia tăng ổn định của kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi trong 7 năm qua. Cụ thể, năm 2018, giá trị xuất khẩu đạt 48,9 tỷ USD; năm 2019 là 54,8 tỷ USD; năm 2020 giảm nhẹ còn 52,8 tỷ USD do tác động của dịch bệnh, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ: năm 2021 đạt 68,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 78,1 tỷ USD, năm 2023 lên tới 86,1 tỷ USD và năm 2024 đạt mức cao nhất là 99,3 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 7 năm triển khai, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP cần sửa đổi để cập nhật quy tắc xuất xứ và cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các FTA thế hệ mới.
Cụ thể, quy trình, thủ tục liên quan đến cấp mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các FTA cần được bổ sung; hình thức cấp C/O được nâng cấp lên cấp độ toàn trình tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cơ chế về phân cấp, ủy quyền chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Luật Tổ chức Chính phủ 2025; cụ thể hóa các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa để có các biện pháp răn đe phù hợp; lưu trữ hồ sơ điện tử...
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến nhanh chóng và khó lường, việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa là yêu cầu cấp thiết, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam và bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế.
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 405/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa).
Tại cuộc họp, các thành viên đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nhóm vấn đề then chốt đang đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa như: Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; việc phân cấp hoặc ủy quyền trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); các biện pháp xử lý hành vi gian lận và tăng cường phòng chống chuyển tải bất hợp pháp; đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh triển khai cấp C/O điện tử; cùng với đó là những vấn đề liên quan khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý nhà nước về xuất xứ trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các cơ quan liên quan bám sát định hướng, chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, tập trung tháo gỡ thực chất những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tận dụng các ưu đãi từ các FTA.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm bảo đảm Nghị định mới khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động thương mại.