Mỹ huy động hàng triệu con muỗi lên trực thăng để cứu loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng
Hàng triệu con muỗi sẽ được thả xuống từ trực thăng với hy vọng giải cứu loài vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Mỹ.
Loài vật hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở tiểu bang Hawaii (Mỹ) chính là chim ong mật. Đây được coi là loài chim mang tính biểu tượng ở Hawaii.
Theo các nhà khoa học, ít nhất 4 loài chim ong mật với màu sắc rực rỡ có thể bị tuyệt chủng trong năm nay nếu không có hành động nào được thực hiện để cứu chúng.
Bà Hanna Mounce, giám đốc chương trình thuộc Dự án phục hồi chim rừng Maui, cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang thực sự chạy đua với thời gian".
Chim ong mật đã tiến hóa trong suốt hàng triệu năm. Chúng có khả năng thích nghi đặc biệt với môi trường sống trên các hòn đảo ở Hawaii, đồng thời giúp nhiều loài thực vật thụ phấn.
Trên thực tế, có hơn 50 loài chim ong mật từng bay khắp quần đảo Hawaii. Tuy nhiên, vì các loài săn mồi du nhập và môi trường bị tàn phá, bệnh tật, nên con số này đã giảm xuống chỉ còn 17 loài.
Trong đó, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với chim ong mật chính là muỗi Culex quinquefasciatus. Đây là một loài muỗi xâm lấn đến Hawaii có thể thông qua các thùng nước trên các con tàu châu Âu vào đầu thế kỷ 19. Loài muỗi này đã nhanh chóng lây lan ký sinh trùng sốt rét làm chết nhiều loài gia cầm.
Các nhà khoa học cho biết, những loài chim ong mật sở dĩ còn tồn tại đến ngày nay là nhờ sống ở trên núi cao, nơi quá lạnh đối với muỗi. Thế nhưng, nhiệt độ ngày càng tăng đang mở rộng môi trường sống của muỗi. Do đó, mỗi năm, muỗi di chuyển cao hơn lên sườn núi và gây bệnh, giết chết các loài chim.
Hiện nay, 4 loài chim ong mật, bao gồm Akekeʻe (Loxops caeruleirostris) và Akikiki (Oreomsytis bairdi) trên đảo Kauai, Kiwiki (Pseudonestor xanthophrys) và Ākohekohe (Palmeria dolei) trên đảo Maui, đều đang ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn.
Bà Hanna Mounce cho biết: "Với khí hậu ấm áp trong một năm nữa, chúng ta sẽ không còn con chim nào nữa".
Mỹ huy động hàng triệu con muỗi để làm gì?
Theo các chuyên gia, dự án phục hồi chim rừng Maui đang nuôi hy vọng về việc cứu sống các loài chim ong mật bằng cách "lấy độc trị độc". Cụ thể, giống nhiều loài động vật chân đốt khác, muỗi Culex quinquefasciatus có chứa vi khuẩn Wolbachia một cách tự nhiên ở trong ruột của chúng. Do đó, để có thể sinh con cùng nhau, muỗi giao phối phải bị nhiễm cùng một chủng vi khuẩn.
Nắm bắt được đặc điểm này, các nhà khoa học sẽ tiến hành thả những con muỗi đực mang một chủng Wolbachia khác với chủng ở loài muỗi tại Maui. Theo kế hoạch, muỗi cái bản địa sẽ tiến hành giao phối với các con muỗi đực này. Nhưng vì vi khuẩn Wolbachia của hai loài muỗi không tương thích nên chúng sẽ không thể sinh con. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, số lượng muỗi Culex quinquefasciatus ở Hawaii sẽ giảm mạnh.
Ban đầu, dự án phục hồi chim rừng Maui tiến hành các thử nghiệm bằng cách thả từ 5.000 đến 30.000 con muỗi cùng một lúc để nghiên cứu về khả năng lây lan và tuổi thọ của chúng trong tự nhiên. Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện dù loài muỗi "ngoại lai" sống lâu hơn so với muỗi bản địa nhưng chúng lại không di chuyển xa địa điểm được thả xuống. Điều này có nghĩa là các đợt thả muỗi trong thời gian tới sẽ cần phải được đặt ở khoảng cách gần nhau hơn.
Trong tháng 11 sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ thả 250.000 con muỗi và hai lần một tuần sẽ lại thả chúng trên diện tích khoảng 1,215 ha nằm ở phía đông Maui trong một năm. Dự kiến, hàng triệu con muỗi sẽ được thả từ trực thăng xuống. Chúng sẽ nằm trong những viên nang phân hủy sinh học có kích cỡ bằng quả xoài. Mỗi viên nang này có thể chứa khoảng 1.000 con muỗi.
Các chuyên gia cho hay, thành công của dự án "thả muỗi" không chỉ xoay quanh việc làm giảm số lượng muỗi gây bệnh ở địa phương mà còn đảm bảo rằng chúng không tự hình thành quần thể mới trên các đảo.
Hơn nữa, nếu không có muỗi cái ở trên đảo thì chúng không thể đốt chim ong mật, đồng thời không làm lây truyền bệnh sốt rét.
Bà M. Renee Bellinger, nhà di truyền học tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng đây không phải là giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, đó là giải pháp hiện có sẵn và có lộ trình quản lý được xác định để chúng tôi có thể đưa chúng vào trong tự nhiên".
Theo ông Sam 'Ohu Gon III, nhà khoa học cấp cao, đồng thời là cố vấn văn hóa tại Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên, nếu dự án "thả muỗi" không thành công, có thể cần phải tiến hành di chuyển các loài chim ong mật ra khỏi khu vực có muỗi truyền nhiễm sinh sống.
Nguồn: Scientificamerican, Sciencedirect