Mỹ-Iran chưa tìm được tiếng nói chung trước vòng đàm phán hạt nhân thứ hai

Mỹ và Iran vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ngay trước vòng đàm phán hạt nhân thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 19/4 tới tại Oman.

Phản ứng trước lập trường kiên định của Nhà Trắng khi đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tuyên bố Iran “phải dừng lại và loại bỏ chương trình làm giàu hạt nhân và vũ khí hóa”, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định, việc làm giàu uranium không phải là vấn đề cần thảo luận: "Trong suốt thời gian này, chúng ta đã nghe được những lập trường trái ngược và đối lập. Những lập trường này thực sự sẽ trở nên rõ ràng tại bàn đàm phán. Điều chắc chắn là hoạt động làm giàu u-ra-ni của Iran là vấn đề có thật, được chấp nhận và thực tế, và chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin liên quan đến những lo ngại tiềm ẩn, nhưng nguyên tắc làm giàu uranium là không thể thương lượng".

Về phía Mỹ, nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, trong đó có các biện pháp chống lại một nhà máy lọc dầu có trụ sở tại Trung Quốc. Đây là vòng trừng phạt thứ sáu nhắm vào hoạt động bán dầu của Iran kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Iran, bao gồm các nỗ lực giảm xuất khẩu dầu của Tehran xuống 0 nhằm ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce nhấn mạnh, mọi lệnh trừng phạt sẽ được thực thi nghiêm túc. Một khi Iran còn tìm cách thu lợi từ xuất khẩu dầu để tài trợ cho các hoạt động gây bất ổn, thì Mỹ sẽ buộc cả Iran lẫn các đối tác tiếp tay cho hành vi né tránh trừng phạt phải chịu trách nhiệm.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: Reuters

Với những lập trường cứng rắn từ cả Mỹ và Iran, tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai bên được nhận định vẫn còn nhiều trở ngại, khi Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cũng vừa cảnh báo, việc Iran sở hữu bom nguyên tử không còn xa.

Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, tiến sĩ Sanam Vakil cũng có chung nhận định: "Nhiều năm sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, chứng kiến Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đáng kể đối với nền kinh tế Iran, Iran đã leo thang bằng cách thúc đẩy chương trình của mình một cách đáng kể. Họ đang làm giàu U-ra-ni ở mức cao hơn. Họ đã tích lũy thêm nhiều máy ly tâm, dù các cơ quan tình báo nói rằng họ không tin rằng Iran đã quyết định vũ khí hóa chương trình của mình. Chắc chắn là chúng rất tiên tiến và đạt gần đến mức nguy hiểm".

Trong khi giới phân tích chỉ ra những thách thức đáng kể, cả Mỹ và Iran đến thời điểm hiện tại đều thể hiện sự lạc quan thận trọng đối với tiến trình đàm phán. Trọng tâm của vòng đàm phán thứ hai này sẽ tiếp tục xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran, cũng như vai trò của nước này trong các hoạt động quân sự tại khu vực. Dẫu vậy, không phải không có kỳ vọng đặt ra đối với vòng đàm phán lần này, sau những tiến triển tích cực của vòng đàm phán đầu tiên.

Mặc dù bác bỏ các yêu cầu cốt lõi của Mỹ, song Ngoại trưởng Iran vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, khi cho rằng các cuộc đàm phán có thể tiến triển nếu Mỹ thể hiện thiện chí xây dựng hơn: “Nếu Mỹ đưa ra lập trường mang tính xây dựng, tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể bắt đầu đàm phán về khuôn khổ của một thỏa thuận tiềm năng. Nếu không, và họ tiếp tục có lập trường mâu thuẫn và xung đột, thì nhiệm vụ sẽ rất khó khăn".

Trên bình diện quốc tế, nhiều nước cũng đang ra sức kêu gọi các bên liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran kiềm chế và theo đuổi con đường ngoại giao. Bởi lẽ căng thẳng Mỹ - Iran không chỉ còn là vấn đề song phương, mà còn là biến số lớn trong bức tranh địa chính trị toàn cầu. Kết quả của vòng đàm phán tới đây có thể mở ra lối thoát ngoại giao nhưng cũng có thể là nguồn cơn đẩy khu vực tiến gần hơn đến bờ vực xung đột.

Phương Anh/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-iran-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung-truoc-vong-dam-phan-hat-nhan-thu-hai-post1192691.vov