Mỹ lập liên quân tuần tra Biển Đỏ

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo một số quốc gia đã đồng ý cùng tiến hành tuần tra khu vực phía nam Biển Đỏ và vịnh Aden để bảo vệ tàu hàng trước nguy cơ bị nhóm Houthi tấn công.

“Đây là thách thức tầm quốc tế đòi hỏi cần có hành động tập thể. Vì vậy hôm nay tôi tuyên bố khởi động sáng kiến an ninh đa quốc gia mang tên Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng”, Bộ trưởng Austin phát biểu nhân chuyến thăm Bahrain - nơi lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông đồn trú.

Liên quân tuần tra do Mỹ dẫn đầu, có sự tham gia của Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.

Trước thông tin trên, nhân vật cấp cao trong Houthi Mohammed al-Bukhaiti ngày 18.12 tuyên bố nhóm đủ sức đối đầu với bất cứ liên quân nào mà Mỹ thành lập triển khai đến Biển Đỏ.

Biển Đỏ - tuyến vận tải quan trọng của thế giới - đang trở nên cực kỳ nguy hiểm - Ảnh: CNBC

Biển Đỏ - tuyến vận tải quan trọng của thế giới - đang trở nên cực kỳ nguy hiểm - Ảnh: CNBC

Houthi là nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ Yemen. Lực lượng này đối đầu với liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu từ tháng 3.2015 đến nay.

Thỉnh thoảng nhóm tập kích vài tàu trong khu vực, số vụ tấn công gia tăng từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Houthi tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa chống hạm, thậm chí dùng trực thăng để bắt giữ một tàu hàng vào tháng trước.

Trước đó, Houthi tuyên bố nhắm đến tàu có liên hệ với Israel. Thời gian gần đây nhóm đe dọa tấn công bất cứ tàu nào mà họ xác định đi đến hoặc xuất phát từ Israel. Thế nhưng đầu tháng 12 lại có tàu treo cờ Na Uy cùng một tàu chở nhiên liệu hàng không di chuyển đến kênh đào Suez bị tấn công. Một tàu treo cờ Hồng Kông từ Oman sang Ả Rập Saudi cũng xém trúng tên lửa. Ngoài ra Houthi còn liên lạc qua radio yêu cầu các tàu phải thay đổi lộ trình.

Biển Đỏ chiều rộng hơn 200km, có điểm cuối phía bắc là kênh đào Suez và điểm cuối phía nam là eo biển Bab al-Mandeb dẫn vào vịnh Aden. Đây là tuyến đường thủy tấp nập với 17.000 tàu di chuyển qua mỗi năm (tức gần 50 tàu/ngày) để vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Bất ổn tại đây ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu.

Khu trục hạm USS Carney của Mỹ hiện đang hoạt động gần Biển Đỏ và đã bắn hạ không ít UAV lẫn tên lửa phóng từ Yemen thời gian qua. Gần đây tàu chiến HMS Diamond của Anh, tàu hộ tống Languedoc của Pháp cũng vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra quanh khu vực.

Tiếp tục kêu gọi Israel giảm thương vong dân sự

Bên cạnh chuyến thăm Bahrain, Bộ trưởng Austin còn sang Israel gặp người đồng cấp Yoav Gallant. Hai ông bàn cách giảm thiểu thương vong dân sự tại Dải Gaza, chuyển từ giai đoạn công kích mạnh mẽ sang giai đoạn tấn công cường độ thấp.

“Bất kỳ chiến dịch nào cũng chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi bảo vệ dân thường trong xung đột và tăng cường dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza”, Bộ trưởng Austin phát biểu.

Thời gian qua Mỹ tỏ ra không hài lòng khi chiến dịch quân sự mà Israel thực hiện gây thương vong dân sự quá lớn. Thậm chí Tổng thống Joe Biden tuần trước công khai chỉ trích đồng minh không kích bừa bãi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Austin nhân chuyến thăm mới nhất đã lên tiếng trấn an: “Sự ủng hộ của Mỹ đối với an ninh của Israel là không thể lay chuyển. Israel không đơn độc”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-lap-lien-quan-tuan-tra-bien-do-212078.html