Mỹ liệt kê các băng đảng là khủng bố khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Haiti thêm trầm trọng
Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực tội phạm có tổ chức và nhân quyền cảnh báo, việc chính quyền Washington liệt kê các băng đảng lớn tại Haiti vào danh sách khủng bố có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại quốc gia này khi càng khiến hoạt động viện trợ tài chính và nhân đạo bị cản trở.

Lực lượng vũ trang Haiti tuần tra tại khu vực ngoại ô Poste Marchand, thủ đô Port-au-Prince, tháng 12/2024, trong bối cảnh người dân phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực mà liên minh Viv Ansanm gây ra. (Nguồn: Reuters)
Vào tuần trước, Mỹ đã chính thức gán mác khủng bố cho hai nhóm vũ trang lớn tại Haiti: Liên minh Viv Ansanm - lực lượng kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince và Gran Grif - nhóm hoạt động tại vùng Artibonite, nơi được coi là “vựa lúa” của đất nước.
Động thái này theo sau những biện pháp tương tự mà Washington đã áp dụng gần đây đối với các băng đảng ma túy ở Mỹ Latinh.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, điều này nhằm cô lập các nhóm, ngăn chặn nguồn tài chính từ công dân hoặc doanh nghiệp Mỹ.
“Việc gán mác khủng bố đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến của chúng tôi chống lại các nhóm này và là cách hiệu quả để cắt đứt nguồn hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố”, Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc tổ chức Global Initiative Against Transnational Organized Crime, biện pháp này có thể “vô tình khiến tình hình tại chỗ trở nên tồi tệ hơn”.
Một số tổ chức nhân đạo có thể gặp rủi ro nếu tiếp tục tiếp xúc với các băng nhóm để cung cấp viện trợ cho người dân trong vùng chịu kiểm soát.
Điều này có thể dẫn đến việc nguồn cứu trợ bị cắt đứt, khiến người dân càng phụ thuộc vào các nhóm vũ trang. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quốc tế có thể rút khỏi Haiti để tránh vi phạm luật pháp Mỹ.
Trung tâm phân tích và nghiên cứu nhân quyền của Haiti cũng đưa ra những quan ngại tương tự, cho rằng động thái của Washington có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực do băng nhóm kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh nguồn viện trợ từ Mỹ đang bị đóng băng.
“Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và thích hợp nhằm xử lý tận gốc vấn đề, chẳng hạn như tình trạng buôn lậu vũ khí từ Mỹ và qua biên giới Haiti-Cộng hòa Dominica, thì các thành viên băng đảng, vốn là nạn nhân của xã hội, có thể trở nên cực đoan hơn nữa”, báo cáo của Trung tâm này nêu rõ.
Kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Haiti vào năm 2021, liên minh các băng đảng đã sử dụng nhiều biện pháp tàn bạo để gia tăng ảnh hưởng.
Hôm 7/5, Ngân hàng Trung ương Haiti đã cảnh báo các ngân hàng, cơ sở trao đổi tiền và dịch vụ thanh toán cần thận trọng trước nguy cơ liên quan đến các giao dịch tài trợ cho khủng bố.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 1.600 người tại quốc gia này đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, hơn 1 triệu người đang phải sống trong cảnh tản cư ngay trên chính quê hương mình, trong bối cảnh lực lượng an ninh trong nước nhận được rất ít sự hỗ trợ từ quốc tế.