Mỹ lo đối phó loại vũ khí nguy hiểm nổi lên từ xung đột Nga - Ukraine
Mỹ đang thử nghiệm các chiến thuật đối phó với máy bay không người lái (UAV) giá rẻ, loại vũ khí đã chứng minh được mức độ nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine.
Một video được công bố hồi năm 2024 cho thấy, máy bay không người lái (UAV) Ukraine đã bay lại gần xe tăng Nga. Thay vì lao thẳng vào tấm chắn bảo vệ của xe tăng Nga, UAV Ukraine đã bay luồn phía dưới sau đó phát nổ, và phá hủy phương tiện đối phương. Đây là minh chứng rõ nhất cho mức độ nguy hiểm của các UAV giá rẻ có giá chưa tới 1.000 USD, nhưng lại có thể làm thay đổi diễn biến giao tranh.
Ukraine đã sử dụng UAV để đối phó với ưu thế lớn về mặt nhân lực và thiết bị của Nga. Đây cũng là điều mà các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ và rút ra các bài học kinh nghiệm. Hiện tại, quân đội Mỹ thử nghiệm loạt thiết bị và chiến thuật nhằm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ UAV.
UAV Ukraine tấn công xe tăng Nga hồi năm 2024. Video: Bộ Quốc phòng Ukraine
Hồi tháng 1, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai tập trận bắn đạn thật ở Hawaii với sự tham gia của hệ thống chống UAV mới có tên MADIS. Theo Stars and Stripes, hệ thống này cho phép phát hiện, nhận dạng, phá hủy UAV bằng nhiều vũ khí như pháo, hệ thống gây nhiễu và súng máy.
Trong năm 2024, tờ Defense One đưa tin Lầu Năm Góc đang có kế hoạch trang bị cho các binh sĩ Mỹ những thiết bị gây nhiễu và phát hiện UAV cầm tay. Tới tháng 12 cùng năm, Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược mới chống UAV nhằm phối hợp các chi nhánh khác nhau trong quân đội để cùng đối phó với mối đe dọa từ UAV.
“Một số đặc điểm tác chiến đang thay đổi nhanh chóng. Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ rơi vào tình thế xấu”, ông John Lehane, Chỉ huy Trung đoàn Thủy quân lục chiến ven biển số 3 của Mỹ nói về vụ thử nghiệm MADIS.
Chiến thuật đối phó UAV
Chia sẻ với Business Insider, nhà nghiên cứu Clayton Swope tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay phòng thủ chống UAV có 2 thách thức chính là phát hiện UAV và vô hiệu hóa chúng. Ông nhấn mạnh, các hệ thống giống như MADIS là sự phát triển quan trọng, “cung cấp bảo vệ trên không cho lính thủy đánh bộ, những người sẽ làm nhiệm vụ đổ bộ xuống các bãi biển trong xung đột tương lai”.
Còn theo Stars and Stripes, hệ thống MADIS sẽ được sử dụng trong các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines để kiểm chứng mức độ hoạt động trong điều kiện ẩm ướt.
![Hệ thống chống UAV MADIS của Mỹ. Ảnh: Defence Blog](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_23_51423722/3eb8688b51c5b89be1d4.jpg)
Hệ thống chống UAV MADIS của Mỹ. Ảnh: Defence Blog
Ông Zak Kallenborn, nhà phân tích UAV ở CSIS, nói thêm “không có viên đạn bạc” nào trong cuộc chiến chống UAV, và hệ thống phòng thủ cần thích nghi với sự đa dạng thiết bị này.
“UAV có năng lực rất lớn, và hiện là mối đe dọa đối với toàn bộ quân đội Mỹ. Một vấn đề lớn là bây giờ chúng ta mới thực sự học các chiến thuật đối phó với UAV trên không, trong khi UAV đã có thể bay, bơi, và hoạt động theo bầy đàn. Khó có thể phát triển các chiến thuật đối phó với công nghệ UAV khi mà chúng mới được sử dụng”, ông Kallenborn nói.
Nhận định trên cho thấy, việc UAV được sử dụng trong xung đột khiến các chiến thuật đối phó cần phải phát triển nhanh hơn nữa.
Điển hình, Nga đã phát triển năng lực tác chiến điện tử hiện đại để đối phó với UAV bằng cách gây nhiễu tín hiệu điều khiển thiết bị của đối phương. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã thử nghiệm các loại vũ khí laser để bắn hạ UAV Nga dùng để tập kích các thành phố và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ các đồng minh như Mỹ và Đức, Ukraine còn đang tìm cách phát triển những UAV mới để vượt qua hệ thống gây nhiễu của Nga.
Theo War Zone, nhiều chi nhánh của quân đội Mỹ đang thử nghiệm các loại vũ khí laser và vi sóng để đối phó với UAV.
Liên quan tới mối đe dọa ngày càng tăng của UAV, hồi năm 2024, Business Insider cho hay một kiểu tấn công mới liên quan tới UAV là theo bầy đàn. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia được cho là đang phát triển công nghệ này.
Để đối phó, ông Swope cho rằng Mỹ nên ứng dụng AI vào hệ thống phòng thủ UAV để phân tích dữ liệu phức tạp vượt qua khả năng của con người.
Còn trong ngắn hạn, ông Swope cho rằng: “MADIS và các hệ thống tương tự sẽ đóng vai trò quan trọng bảo vệ các đơn vị pháo binh, và bộ binh khỏi các UAV cỡ nhỏ. Đây là vũ khí mà Ukraine chứng minh là mối đe dọa không thể bỏ qua đối với các lực lượng bộ binh”.